Căn nhà 194 phố Huế (Hà Nội) điển hình cho việc thi hành án kéo dài nhiều năm.
239.144 vụ việc thi hành án và trên 41,5 tỉ đồng tồn đọng liệu có thể được giải quyết chỉ bằng một quy định miễn giảm trong Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi)? Luật Thi hành án dân sự - một dự án luật hầu như không gây chú ý trong dư luận, dù sự tồn đọng thật sự gây ra không ít bức xúc xã hội - được đưa ra thảo luận lần cuối trước Quốc hội ngày 3.11.
Nhìn những con số thống kê về sự tồn đọng, với 239.144 việc và trên 41,5 tỉ đồng, có thể hình dung phần nào nỗi nhức nhối khi án tồn, đồng nghĩa với việc pháp luật không nghiêm.
Chính tờ trình Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém của cả Luật Thi hành án dân sự (THA) cũng như việc THA. Đó là lượng án tồn đọng tuy giảm nhưng số việc và số tiền lưu cữu vừa còn rất lớn vừa có xu hướng tăng lên.
Việc tổ chức THA trong nhiều vụ việc còn chưa kịp thời, gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có những trường hợp bản án, quyết định của tòa án tuyên không rõ ràng, thiếu khả thi nhưng việc trả lời của tòa án đối với yêu cầu của cơ quan THA về giải thích bản án còn chậm. Và việc án tuyên nhưng không được thi hành cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài.
Điểm mới nhất trong dự thảo luật lần này, và cũng được hy vọng trở thành cứu cánh giải quyết tình trạng tồn đọng là một sửa đổi mới. Theo đó, có thể miễn giảm theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 61 Luật THA dân sự cho những đối tượng phải THA không có tài sản, thu nhập và không rõ địa chỉ…
Theo luật hiện hành, người phải THA chỉ được miễn giảm sau khi đã thi hành được một phần khoản thu nộp NSNN mà không có tài sản để THA thì có thể được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại trong những trường hợp: “5 năm, kể từ ngày ra quyết định THA mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng; 10 năm, kể từ ngày ra quyết định THA mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 10.000.000 đồng”.
Hoặc đã thi hành được một phần mà không có tài sản để THA… ĐBQH Phạm Văn Tấn (Tiền Giang) phân vân với sửa đổi này, vì dù các mức độ được miễn giảm THA đối với các khoản thu nộp NSNN dù được miễn, giảm đều vẫn là trong trạng thái “có thể”. “Họ phải được miễn chứ không phải có thể - ông Tấn nói - bởi số tiền trong khung trong việc miễn giảm không phải quá lớn”. Hơn nữa, việc miễn giảm đương nhiên có thể giảm bớt được công việc THA, cũng như sự dị nghị xã hội đối với các vụ được xét miễn giảm, các vụ không được xét miễn giảm”.
Theo ông Tấn, việc miễn giảm, ngoài lý do nhân đạo, còn tránh tình trạng “đốt đuốc tìm que diêm” khi THA, dù bất khả thi với những trường hợp không thể thi hành, đồng nghĩa với bộ máy, với chi phí.
Góp ý để làm giảm tải tồn đọng THA, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị ngoài việc đương sự có đơn yêu cầu thi hành án thì cơ quan THA cũng có trách nhiệm chủ động THA. Ông Tám cũng đề nghị, chẳng hạn trong các việc liên quan đến đất đai, phải có trách nhiệm của chính quyền các cấp, bởi “nếu chính quyền đứng ngoài cuộc thì việc THA cũng chậm trễ”.