Đa số công chức, viên chức sẽ rất khó tiếp cận gói hỗ trợ này từ chính rào cản về điều kiện vay cũng như lãi suất.
Quyền im lặng của nghi can
- Cập nhật : 01/10/2014
Trong khi luật sư cho rằng quy định nghi can có quyền không khai báo để chờ luật sư bào chữa sẽ giảm bức cung, dùng nhục hình, có ý kiến quan ngại việc này bị lợi dụng gây cản trở quá trình phá án.
Phân vân quyền im lặng của nghi can
Tại phiên họp Thường vụ thứ 31, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: "Việc chống ép cung, bức cung, nhục hình, bỏ lọt tội phạm có thực sự hiệu quả khi bị can, bị cáo không có quyền im lặng?". Ông cho rằng nghi can được quyền im lặng cho đến khi luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ có mặt. Tuy nhiên nội dung này hiện chưa đưa vào dự án luật sửa đổi, bởi theo giải thích của Viện trưởng VKSND Tối cao do lo ngại gây "xung đột" với hoạt động của cơ quan điều tra.
Trao đổi với VnExpress, luật sư Vũ Tiến Vinh (Giám đốc Công ty Luật Bảo An, Hà Nội) cho hay quyền chưa khai báo khi chưa có sự chứng kiến của luật sư đã được nhiều nước áp dụng. Đây không phải là quyền mới trong tố tụng hình sự của các nước, song ở Việt Nam nội dung này mới được đưa ra bàn thảo. Nếu được áp dụng, đây có thể là bước tiến về tư duy trong hoạt động lập pháp.
Theo luật sư Vinh, nếu đưa quyền này vào luật, "chắc chắn việc oan sai do mớm cung, bức cung, nhục hình sẽ giảm đáng kể, thậm chí không còn". Nó đặc biệt có ý nghĩa ở những bản khai đầu tiên thường được coi có giá trị chứng minh trong khi nghi can chưa chuẩn bị tâm lý khai báo.
Ông Vinh cho rằng các cơ quan tố tụng cần thay đổi quan niệm, xác định sự tham gia của luật sư từ quá trình điều tra giúp việc lấy cung được khách quan, tránh oan sai chứ không phải "gây khó khăn" cho công việc của nhà chức trách.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP HCM cũng đồng tình, cho rằng người mới bị bắt thường mất bình tĩnh, tâm lý hoang mang nên sự có mặt của luật sư là cần thiết; giúp kiểm soát hoạt động của cơ quan điều tra… Từng có thân chủ cho ông biết vì bị “chọc nách” quá khi lấy cung nên phải nhận tội.
“Nếu quy định này không được đưa vào luật thì là một bước lùi của ngành tư pháp”, luật sư Hậu nêu ý kiến.
Nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tiến sĩ Vũ Đức Khiển đánh giá nếu cho phép nghi can im lặng, khi lấy lời khai có sự chứng kiến của luật sư sẽ tạo thay đổi lớn trong hoạt động tố tụng. "Hạn chế được được án oai sai hay không thì chưa biết nhưng sẽ không còn việc bức cung, dùng nhục hình”, ông nói.
Ông Khiển cho hay khi còn công tác có người đến tố cáo việc biết một bị can nghiện thuốc lá nên trong quá trình lấy lời khai điều tra viên đã hút. Bị can thèm quá không chịu được xin một ké một hơi, điều tra viên nói khai đi rồi sẽ cho hút thuốc. "Giờ để tránh những việc ép nhận tội như thế này, việc lấy cung chỉ cần luật sư chứng kiến. Lúc đó có khi việc lắp camera giám sát quá trình lấy lời khai cũng không cần", nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Luật sư Trần Chí Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) mong mỏi quy định này được thực hiện, coi đó cách đảm bảo quyền con người. "Bị can mới là đối tượng tình nghi chứ chưa có kết luận phạm tội. Họ im lặng chờ luật sư không có nghĩa là cản trở quá trình điều tra", ông Thanh nêu quan điểm.
Theo ông, Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định ngay khi bị bắt, người bị tạm giữ có quyền mời luật sư. Cơ quan điều tra giải thích quyền này cho họ và phải thông báo cho gia đình nếu họ có nhu cầu. Tuy nhiên với đánh giá của ông, việc này ít khi được thực thi.
Nếu có, thủ tục để luật sư tham gia từ giai đoạn đầu điều tra, theo ông Thanh là "rất lâu và phức tạp". Thông thường ít luật sư được tham gia vào các buổi lấy cung của thân chủ ở giai đoạn này. "Chỉ khi hồ sơ điều tra đã 'tròn trịa', luật sư mới được tiếp cận, lúc đó đã là giai đoạn cuối", ông nói.
Một điều tra viên kinh nghiệm hơn chục năm, khi trao đổi với VnExpress đã công nhận quyền im lặng của bị can, bị cáo là quyền tiến bộ, nhiều nước trên thế giới đã quy định. "Nếu họ im lặng để chờ luật sư, chúng tôi đồng tình", ông nói.
Tuy nhiên theo ông, do điều kiện về nhận thức, kinh tế của người dân còn thấp nên việc mời luật sư còn hạn chế. Hơn nữa thủ tục luật sư tham gia quá trình lấy cung khi thân chủ ở trong trại tạm giam rất rườm rà, khác với nhiều nước. “Bắt một nghi can đã khó. Nếu họ không khai báo để chờ luật sư thì chỉ cần nửa ngày thôi những kẻ đồng phạm đã chạy trốn hết”, điều tra viên chia sẻ.
Vị điều tra viên quan ngại nhiều nghi can sẽ lợi dụng việc chờ luật sư để trây ỳ gây khó khăn cho tiến trình điều tra phá án. Nếu nhà chức trách không có biện pháp thích hợp thì khó có thể xử lý. "Chúng ta phải hy sinh lợi ích nhỏ, bảo vệ lợi ích lớn chứ giờ chưa thể làm ngược lại”, ông nêu quan điểm.
Ông cho rằng chưa nên áp dụng ở thời điểm này, các nhà làm luật nên bàn bạc nhiều hơn để chọn phương án tối ưu. Việc xử lý điều tra viên có hành vi bức cung, dùng nhục hình đã được quy định trong Bộ luật hình sự. Do vậy, theo ông không nên lo ngại vì không áp dụng "quyền im lặng khi chưa có luật sư" mà nảy sinh các vụ án oan.
Trao đổi với VnExpress, Chánh tòa Hình sự tỉnh Bắc Ninh Vũ Công Đồng đánh giá nếu thừa nhận quyền im lặng của bị can, cơ quan điều tra sẽ khó làm việc, VKS cũng gặp trở ngại. "Còn với tòa án thì thế nào cũng được", ông nói.
Chánh án Đồng quan ngại một khi quyền im lặng được áp dụng nghĩa là đi kèm với quy định bị can không đủ điều kiện kinh tế mời luật sư thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát phải chỉ định luật sư bảo vệ. “Nhưng luật hiện nay chỉ áp dụng với người bị truy tố ở khung hình phạt tử hình", ông nói.
Còn theo thẩm phán Nguyễn Minh Cảnh, tòa hình sự, TAND TP HCM, việc cho phép bị can, bị cáo được im lặng khi bị bắt cho đến có luật sư là quy định tốt đảm bảo quyền và lợi ích của họ và tốt cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Đặc biệt, vai trò của luật sư cũng được nâng cao, quan tâm hơn khi tham gia quá trình tố tụng.
Theo ông công tác đấu tranh phòng chống tội phạm luôn cần giáo dục, thuyết phục. Không cần thiết vụ án nào các bị can, bị cáo cũng im lặng chờ luật sư mà nên khuyến khích sự tự giác, khai báo thành khẩn. Trường hợp cho rằng có uẩn khúc, oan sai, các bị can, bị cáo có quyền im lặng. Việc có mặt của luật sư trong quá trình lấy lời khai sẽ giúp cơ quan điều tra làm tốt nhiệm vụ, quyền của nghi can được đảm bảo.
“Khi thấy điều đó cần thiết và tốt, tôi nghĩ nên thực hiện. Mọi quy định mới khi vào luật đều cần có lộ trình song cũng không nên để thời gian quá lâu”, thẩm phán Cảnh nêu ý kiến.
Bảo Hà - Hải Duyên - Theo: VEXP