Ngày 25/11, trả lời Tiền Phong về vụ việc ông Trần Văn Truyền, ĐBQH Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, nhấn mạnh, tùy theo mức độ, phải kiểm điểm rõ ràng trách nhiệm trong vụ việc này, phải tìm ra những “ông Truyền” khác.
“Ông Truyền thuộc diện Ban Bí thư quản lý thì trước hết Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải làm rõ. Còn nếu theo quy định pháp luật mà ông ấy có hành vi vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo con đường nhà nước”, ông Đương nói.
Kết luận nêu rõ phải thu hồi tài sản của ông Truyền do vi phạm mà có, vậy vấn đề trách nhiệm sẽ phải làm rõ ra sao, theo ông?
Đã bị thu hồi tài sản thì rõ ràng anh phải sai, anh phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm vì sao anh có ngôi nhà đó. Anh có lợi dụng chức vụ quyền hạn không, có nhập nhằng hay không? Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nói rõ cùng với việc thu hồi thì phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Từ đó, tùy tính chất, mức độ mà xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc thu hồi tài sản ông Truyền, dư luận đồng tình rất cao. Nhưng còn một số vụ việc về tài sản của cá nhân khác liên quan mà dư luận đã nêu, có nên vào cuộc làm rõ hay không?
Tùy từng trường hợp, có những trường hợp người ta đã giải trình rõ, cơ quan nội bộ cũng đã xác minh rõ rồi thì không cần phải đến mức độ đó. Còn trường hợp chưa được làm rõ thì mới cần cấp cao hơn vào cuộc làm rõ.
Người dân cho rằng, chúng ta mới chỉ làm rõ được phần tài sản hình thành từ việc mua của nhà nước, vậy về mặt pháp luật, có nên đi sâu để làm rõ nguồn gốc tài sản khác của ông Trần Văn Truyền hay không?
Cái hiện hữu người ta dễ nhìn thấy là những ngôi nhà, nhưng cũng có nhiều người có vàng, có tiền. Ví dụ như Trung Quốc, họ thu thẳng nào là vàng, nào là tiền. Việc tìm tiền lót tay phong bì (nếu có) cũng rất khó, vì phong bì phải tích lũy qua nhiều năm, có khi xong, họ xé, ai mà tìm được.
Qua câu chuyện này, có nên siết việc sử dụng nhà công vụ hay không?
Trong Luật Nhà ở có quy định rồi. Hơn nữa, nhà công vụ bây giờ không còn như ngày xưa nữa. Thời bao cấp để lại người ta mới lạm dụng sử dụng nhà công vụ. Nhiều người không ở nhưng đem cho thuê, thậm chí biến thành nhà riêng.
Theo ông, từ vụ ông Truyền có thể tìm ra những vụ việc khác nữa hay không?Và dư luận cũng đặt vấn đề khối tài sản lớn đứng tên con trai ông Truyền một cán bộ công an?
Một người còn trẻ mà có khối tài sản lớn đến vậy thì ẩn sau nó là vấn đề không bình thường. Vấn đề phải tìm ra những ông Truyền khác. Ông Truyền chỉ là một thí dụ thôi. Phải kiên quyết làm những người khác nữa. Bởi vì những quan chức mà giàu quá thì dân không chịu được đâu. Anh vừa phải thôi, tài sản anh có được là điều đáng mừng. Nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn, anh có tài sản lớn như vậy thì người dân dị nghị.
Phải nói, không phải quan chức nào cũng giàu, mà thường ở những người có chức, có quyền quyết định và ở cấp nào đó.
ĐBQH Đỗ Văn Đương.
Phải công khai tài sản
Qua chuyện này cho thấy, dù có quy định kê khai tài sản, nhưng vẫn để lọt vi phạm, vậy có nên công khai?
Theo luật định thì phải công khai. Nhưng chúng ta mới công khai rất hạn chế. Công khai tài sản thì tài sản ở mức nào chứ còn cái nhà ống, chung cư mà công khai lên người ta lại thấy cán bộ mình nghèo quá. Thực chất, kê khai tài sản chỉ là một cái kênh. Còn để điều tra tham nhũng, có nhiều kênh: Điều tra theo đơn khiếu nại tố cáo, rồi từ những vụ nhận hối lộ mà ra. Cái nhà chỉ là tài sản hiện hữu, còn nhiều loại tài sản cất giấu như tài khoản ở nước ngoài thì làm sao biết được.
Sau khi thu hồi nhà đất của ông Truyền, tiếp theo vụ việc này cần xử lý ra sao?
Tôi chưa nói ông Truyền có tham nhũng hay không, nhưng quan chức có tài sản bất minh lớn đến như thế mà thu hồi là biện pháp quá cương quyết. Còn tiếp theo, tùy mức độ phải kiểm điểm rõ ràng trách nhiệm ra sao.
Có tin ông Truyền muốn đóng thêm tiền mua lại nhà, điều này có được không?
Theo tôi là không. Vì phải thể hiện tính minh bạch, còn mua lại thì rất nhập nhằng, khó giải thích. Đề xuất là quyền của người ta nhưng trong trường hợp này phải thu hồi.
Cảm ơn ông!