Hành vi đánh trộm, tra khảo để biết tên họ, con cái nhà ai… có thể là sai nhưng không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sự kiện anh Nguyễn Văn Trình ở ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình (Chợ Lách, Bến Tre) bắt trộm quả tang trong nhà mình cuối cùng bị khởi tố, truy tố tội bắt giữ người trái pháp luật khiến dư luận quá hoang mang, bất bình (xem thêm bài “Trói kẻ trộm, bị khởi tố” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 10 và 11-10).
Người ta tự hỏi người dân phải làm sao đây mới có thể làm hài lòng cơ quan tố tụng khi mà anh Trình đã làm đúng trách nhiệm của mình rồi nhưng vẫn bị khởi tố. Bởi ngay sau khi bắt trộm, anh Trình đã gọi điện thoại báo cho trưởng ấp nhưng vì ban đêm, trưởng ấp không nghe máy. đến hơn hai tiếng sau ông trưởng ấp mới bắt máy rồi cùng công an đến nhà giải quyết. Ấy thế mà cuối cùng anh Trình vẫn bị khởi tố, cha anh bị khép là đồng phạm, sau đó cha anh treo cổ tự tử tại nhà. Đau lòng quá đỗi!
Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, chính ông viện trưởng VKSND huyện Chợ Lách cũng lúng túng không biết phải làm thế nào cho phải với tên trộm đang lù lù trong nhà mình. Phóng viên hỏi tới thì ông bảo ừ thì là cứ đưa lên công an xã. Trời đất, giữa đêm hôm khuya khoắt, muốn đến xã thì phải qua sông, muốn qua sông thì phải lụy phà, mà phà thì ban đêm không hoạt động. Vậy thì phải làm sao? Hay cứ kè đại tên trộm bơi ghe qua sông? Làm thế chẳng may giữa dòng tên trộm lật úp cái ghe để chết chìm cả nút à? Hoặc giả tên trộm buồn đời nhảy đại xuống sông, lúc đó có mà “ăn cho hết”.
Thành ra cha con anh Trình cực chẳng đã phải “neo giữ” tên trộm hơn hai tiếng đồng hồ tại nhà mình, để rồi sau đó bị xử lý hình sự.
Nhiều bạn đọc bức xúc cho rằng với cái đà này có lẽ khi bắt trộm, dân phải khăn đóng áo dài mời tên trộm uống trà, sau đó xin phép tên trộm cho chúng em gọi báo công an. Gặp tên trộm khó tính không đồng ý, có lẽ phải mở cửa trịnh trọng mời quan bác ra khỏi nhà cho chúng em được nhờ, nếu không sáng mai chúng em bị khép tội thì khổ.
Có người còn nói vui với cách hành xử của cơ quan tố tụng huyện Chợ Lách, có khi trộm sẽ lũ lượt kéo xuống địa phương này hành nghề để được đối xử như tân khách (khi bị khổ chủ phát hiện, bắt quả tang).
Nói cho công bằng, quá trình neo giữ tên trộm, cha con anh Trình có trói lại, đánh mấy cái. Và trong khi chờ nhà chức trách đến nhà, cha con anh có tranh thủ tra khảo tên trộm để biết hắn là ai, ở đâu, có bà con họ hàng gì với mình không, đã lấy bao nhiêu tiền (do trước đây từng nhiều lần mất trộm). Khi tên trộm khai rõ, cha con anh thôi không làm gì tên trộm nữa mà… ngồi chờ, cầu mong ông trưởng ấp nghe điện thoại đặng đến giải quyết. Hành vi này của cha con anh Trình rõ ràng là sai. Và nếu tên trộm (sau này mới biết là chưa thành niên nên có lẽ gọi “em trộm” cho chính xác) có bị phần trăm thương tích nào thì hành vi của cha con anh Trình có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích (là mới chỉ “có dấu hiệu” thôi chứ chưa chắc đã đủ yếu tố cấu thành tội này).
Đó là nói về mặt học thuật, về cấu thành tội phạm mà bất kỳ ai học môn luật hình sự cũng đều phải biết. Còn nói theo lý lẽ thông thường của dân gian, không lẽ bắt trộm quả tang mà không trói em trộm lại, ngược lại phải mời trà, đối xử như tân khách?
Một chuyện xảy ra mà ai cũng nhận thức rõ ràng, rành mạch như vậy, không hiểu sao những người tiến hành tố tụng ở Chợ Lách cứ phải phăm phăm đi theo con đường riêng của mình lạ lùng như thế.