Tòa không được quyền từ chối thụ lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của người dân với lý do chưa có pháp luật quy định.
Đó là ý kiến của Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành BLTTDS tại khu vực phía Nam do TAND Tối cao tổ chức sáng 16-10 tại TP Vũng Tàu.
Theo ông Bình, hiện đang có hai cách hiểu khác nhau: Một cho rằng tranh tụng là tranh tụng tại tòa; một cho rằng tranh tụng là xuyên suốt quá trình tố tụng từ khi thụ lý (hoặc khởi tố) đến khi ra được bản án có hiệu lực pháp luật, thậm chí nếu có phá án cũng phải tiếp tục tranh tụng. “Cá nhân tôi thiên về hướng tranh tụng xuyên suốt quá trình tố tụng. Tranh tụng là quá trình tố tụng mà các bên (đương sự trong dân sự hoặc buộc tội - gỡ tội trong hình sự) xuất trình các chứng cứ, lý lẽ, căn cứ pháp lý để tranh luận, chứng minh nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Tòa với vai trò là người cầm cân công lý độc lập phân xử, đưa ra các phán quyết có căn cứ pháp luật” - ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, quyền xuất trình chứng cứ của các bên cũng cần phải quy định rõ hơn, không được hạn chế. Trong quá trình xét xử mà các bên xuất trình chứng cứ mới thu thập (không phải giấu, đến khi xét xử mới đưa ra) thì tòa phải công nhận. Khi xuất hiện các chứng cứ mới, HĐXX cần dừng phiên tòa để xác minh, giám định, mời thêm nhân chứng…, không cần hoãn phiên tòa, trả hồ sơ khiến án kéo dài, tốn kém, lãng phí.
Bên cạnh đó, ông Bình cho biết sắp tới, nếu BLDS sửa đổi, bổ sung và BLTTDS sửa đổi, bổ sung được thông qua thì người dân có quyền khởi kiện, yêu cầu. Khi đó, tòa sẽ không được quyền từ chối bảo vệ cho lợi ích hợp pháp của người dân dù trường hợp khởi kiện, yêu cầu đó chưa được pháp luật quy định.