Phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của cuộc sống và cần có một quy trình chuẩn khi tiến hành soạn thảo, ban hành các văn bản pháp luật.
Không cho mở công ty luật vì… hết chỉ tiêu
- Cập nhật : 02/10/2014
Sở Tư pháp tỉnh An Giang từ chối cấp giấy đăng ký hoạt động cho một công ty luật tại TP Long Xuyên với lý do đã hết chỉ tiêu theo đề án của tỉnh. Nhiều ý kiến khẳng định việc này trái luật, đi ngược chủ trương phát triển nghề luật sư.
Luật sư Lê Thị Minh Nguyệt (ngụ TP.HCM) là thành viên Đoàn Luật sư tỉnh An Giang. Ngày 30-5-2014, luật sư Nguyệt nộp hồ sơ đến Sở Tư pháp tỉnh này đăng ký hoạt động cho Công ty Luật TNHH một thành viên Tín Nhân, trụ sở tại TP Long Xuyên.
Chỉ được có năm tổ chức hành nghề luật sư
Bốn ngày sau, ngày 3-6-2014, Sở Tư pháp tỉnh An Giang đã có Công văn số 392 thông báo từ chối cấp giấy đăng ký hoạt động cho Công ty Luật Tín Nhân.
Trong công văn, Sở Tư pháp tỉnh An Giang nêu: “Theo Quyết định 2174 ngày 23-11-2010 của UBND tỉnh An Giang phê duyệt đề án “phát triển tổ chức hành nghề luật sư từ năm 2010 đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh An Giang thì giai đoạn 1 (2010-2015) trên địa bàn TP Long Xuyên được phép thành lập 3-5 tổ chức hành nghề luật sư, trong đó có 1-3 công ty luật. Thực hiện theo Quyết định 2174, Sở Tư pháp đã cấp giấy đăng ký hoạt động cho bốn văn phòng luật sư và một công ty trên địa bàn TP Long Xuyên, đáp ứng đủ số lượng tổ chức hành nghề luật sư được phát triển giai đoạn 2010-2015 theo đề án”.
Không đồng tình, luật sư Nguyệt khiếu nại đến Sở Tư pháp tỉnh An Giang. Theo bà, việc Sở Tư pháp từ chối thành lập tổ chức hành nghề luật sư mới ở TP Long Xuyên với lý do “hết chỉ tiêu” như trên là không có căn cứ pháp lý. Bởi lẽ Luật Luật sư cùng các nghị định, thông tư liên quan... đều không hề có quy định nào nói khi đăng ký tổ chức hành nghề luật sư tại một địa phương nào thì buộc phải đáp ứng chỉ tiêu về giới hạn số lượng tổ chức hành nghề luật sư ở địa phương đó.
Đoàn luật sư tỉnh đã kiến nghị nhiều lần
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Văn Sáu (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết còn khoảng chục luật sư của đoàn cũng muốn mở văn phòng luật sư, công ty luật tại TP Long Xuyên nhưng không được. Nhiều luật sư thấy người đi trước không mở được thì không xin nữa mà hợp tác với các văn phòng luật sư, công ty luật đã có sẵn tại TP Long Xuyên.
Theo luật sư Sáu, có chủ trương giới hạn số lượng văn phòng luật sư, công ty luật ở TP Long Xuyên trong giai đoạn 2010-2015 là do tỉnh có ý muốn việc thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải được trải rộng trên toàn tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chứ không chỉ tập trung vào TP Long Xuyên. “Mục đích là để mọi người dân đều có thể thụ hưởng các dịch vụ pháp lý nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì phát sinh bất cập. Cụ thể đó là nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của người dân ở các huyện thấp, thu nhập cho các tổ chức hành nghề luật sư thấp… Những điều này đã khiến cho các luật sư không muốn thành lập văn phòng luật sư, công ty luật ở những địa bàn khác của tỉnh”.
Cũng theo luật sư Sáu, khi UBND tỉnh ban hành đề án kèm Quyết định 2174 đã không tham khảo ý kiến của đoàn luật sư tỉnh. Vấn đề giới hạn số lượng tổ chức hành nghề luật sư tại TP Long Xuyên đã được đoàn kiến nghị nhiều lần qua các buổi họp với Sở Tư pháp. “Luật không quy định mà mình tự đặt ra giới hạn là không phù hợp rồi. Quan điểm của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư là đề nghị Sở Tư pháp tỉnh phải tạo điều kiện cho luật sư mở văn phòng, công ty hành nghề tại Long Xuyên không bị giới hạn về số lượng” - luật sư Sáu nói.
Sở Tư pháp hiểu sai đề án của tỉnh?
Ông Bùi Văn Biết (Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang) thừa nhận việc không cho mở văn phòng luật sư, công ty luật tại TP Long Xuyên là “không còn phù hợp”. Do đó, Sở Tư pháp tỉnh đã đưa Quyết định 2174 của UBND tỉnh phê duyệt đề án “phát triển tổ chức hành nghề luật sư từ năm 2010 đến năm 2020” vào chương trình rà soát năm nay để trình UBND tỉnh đề nghị bổ sung, sửa đổi hoặc hủy bỏ.
Về việc tại sao biết “không còn phù hợp” mà vẫn từ chối không cho luật sư Nguyệt mở công ty luật tại TP Long Xuyên, ông Biết nói: “Không thể làm khác vì Quyết định 2174 của UBND tỉnh là văn bản pháp quy còn hiệu lực”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại mục III đề án “phát triển tổ chức hành nghề luật sư từ năm 2010 đến năm 2020” của UBND tỉnh An Giang có nêu rõ: “Tiếp tục phát triển các tổ chức hành nghề luật sư tại các khu vực có nhu cầu dịch vụ pháp lý cao, khuyến khích phát triển tổ chức hành nghề luật sư tại các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, các huyện giáp biên giới để phục vụ một cách thuận tiện, kịp thời cho tổ chức và nhân dân”. Đồng thời, đề án cũng nêu “khuyến khích thành lập mới từ 10 đến 15 tổ chức hành nghề luật sư”, trong đó khu vực TP Long Xuyên khuyến khích thành lập mới 3-5 tổ chức hành nghề luật sư.
Như vậy, đề án chỉ khuyến khích thành lập 3-5 tổ chức hành nghề luật sư tại TP Long Xuyên trong giai đoạn 2010-2015 chứ không bắt buộc, khống chế, giới hạn số lượng văn phòng luật sư, công ty luật tại TP Long Xuyên. Do vậy, việc Sở Tư pháp tỉnh An Giang viện dẫn đề án để từ chối cho mở văn phòng luật sư, công ty luật tại TP Long Xuyên là thực hiện không đúng tinh thần của đề án.
Mặt khác, cũng cần nói thêm, chính UBND tỉnh An Giang đã khẳng định “tiếp tục phát triển các tổ chức hành nghề luật sư tại các khu vực có nhu cầu dịch vụ pháp lý cao”. Với việc phát triển tổ chức hành nghề luật sư tại các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, các huyện giáp biên giới, UBND tỉnh cũng chỉ dùng từ “khuyến khích”.
Không có căn cứ pháp lý
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) nhận xét việc Sở Tư pháp tỉnh An Giang từ chối cấp phép thành lập mới tổ chức hành nghề luật sư là trái tinh thần của Hiến pháp, Luật Luật sư 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012), Luật Doanh nghiệp 2005. Việc này cũng trái với chủ trương phát triển nghề luật sư trong đề án “phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” được ban hành kèm Quyết định số 123/2010 của Thủ tướng.
Cụ thể, Điều 33 Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Bên cạnh đó, Luật Luật sư và Luật Doanh nghiệp đều không hạn chế về số lượng văn phòng, công ty luật được phép thành lập. Do đó không có căn cứ pháp lý nào cho phép UBND tỉnh An Giang được đặt ra chủ trương giới hạn số lượng tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn cũng như việc Sở Tư pháp được quyền từ chối cấp phép thành lập mới tổ chức hành nghề luật sư.
Luật sư Nguyễn Bảo Trâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng Sở Tư pháp tỉnh An Giang nên sớm cấp giấy đăng ký hoạt động cho các tổ chức hành nghề luật sư nếu việc đăng ký thành lập đáp ứng các điều kiện, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký theo quy định của pháp luật. “Việc từ chối cấp giấy đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư mà không có căn cứ pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một trong những biểu hiện của hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư, bị nghiêm cấm tại Điều 9 Luật Luật sư hiện hành” - luật sư Trâm nói.
HOÀNG YẾN - NHẪN NAM - H.TÚ
Không lý giải được từ “khuyến khích”
Chúng tôi đã liên hệ với UBND tỉnh An Giang. Ông Võ Nguyên Nam (Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh An Giang) đề nghị chúng tôi liên hệ với Sở Tư pháp tỉnh vì cơ quan này từng tham mưu cho UBND tỉnh ra Quyết định 2174 phê duyệt đề án “phát triển tổ chức hành nghề luật sư từ năm 2010 đến năm 2020” nên nắm rõ tình hình.
Ngày 25-9, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Bùi Văn Biết (Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang) và ông Phạm Thành Đô (Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp). Tại buổi làm việc, ông Đô lý giải vào năm 2010, luật sư chỉ tập trung chủ yếu ở địa bàn TP Long Xuyên nên mục tiêu của đề án ban hành để phát triển luật sư một cách cân đối trên địa bàn tỉnh nhằm “xóa dốt pháp lý” cho người dân. Tuy nhiên, cả ông Đô và ông Biết đều không thể lý giải rằng tại sao đề án của UBND tỉnh An Giang chỉ khuyến khích thành lập 3-5 tổ chức hành nghề luật sư tại TP Long Xuyên trong giai đoạn 2010-2015 chứ không bắt buộc mà Sở Tư pháp lại viện dẫn vào đó để từ chối đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư mới ở TP Long Xuyên.
Không giới hạn số lượng
Chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như pháp luật về luật sư chưa có quy định nào về việc giới hạn số lượng tổ chức hành nghề luật sư trên một địa bàn, địa phương. Nếu đúng là luật sư không được cấp phép hoạt động tổ chức hành nghề luật sư vì hết chỉ tiêu thì có thể gửi văn bản, hồ sơ tài liệu kèm theo ra đây, chúng tôi sẽ trả lời ngay.
Ông Nguyễn Văn Bốn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp
Xâm phạm quyền của luật sư
Chủ trương chung của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là xóa trắng các địa bàn không có tổ chức hành nghề luật sư, hướng đến mọi người dân ở mọi vùng miền khác nhau đều được thụ hưởng các dịch vụ pháp lý. Tuy nhiên, chủ trương đưa các tổ chức hành nghề luật sư đến khắp các địa bàn khác với việc hạn chế, giới hạn việc thành lập các tổ chức hành nghề luật sư tại một địa bàn cụ thể. Bởi việc giới hạn thành lập tổ chức hành nghề luật sư như vậy sẽ xâm phạm đến quyền của luật sư và thiếu căn cứ pháp lý.
Luật sư Phan Thông Anh, Trưởng Cơ quan đại diện của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP.HCM
(Theo plo)
Trở về