Ông Phạm Tuấn Chiêm đã sử dụng các chứng cứ được thu thập trái quy định để kết tội ông Chấn giết hại nạn nhân Nguyễn Thị Hoan.
Ông Nguyễn Thanh Chấn trong vòng tay người thân sau khi được trả tự do - Ảnh tư liệu.
Mở rộng điều tra vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; làm sai lệch hồ sơ vụ án” liên quan đến vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, ngày 30-9, Cơ quan điều tra viện KSND tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (65 tuối, trú tại xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội), nguyên thẩm phán Toà phúc thẩm TAND tối cao về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Chiêm được cơ quan điều tra cho tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Ông Phạm Tuấn Chiêm là thẩm phán, chủ toạ phiên toà phúc thẩm xem xét đơn kêu oan của ông Nguyễn Thanh Chấn vào ngày 27-7-2004.
Theo bản án phúc thẩm thì ngày 28-9-2003, ông Chấn đã đến cơ quan điều tra tự thú và khai nhận là người giết chết chị Nguyễn Thị Hoan. Ngày 30-10-2003, cơ quan điều tra đã cho ông Chấn thực nghiệm hiện trường, kết quả là ông Chấn thực hiện thành thạo các động tác giết chị Hoan và phù hợp lời khai, dấu vết tại hiện trường.
Bản án phúc thẩm nhận định trong quá trình điều tra đã nhận dạng được hung khí gây án cùng các tang vật chứng, dấu vết để lại hiện trường phù hợp với hành vi phạm tội nên bác kháng cáo của ông Chấn.
Chính từ đó, ông Chấn đã phải chấp hành án phạt tù oan 10 năm trời cho đến khi cơ quan điều tra viện KSND tối cao vào cuộc điều tra vụ án này và nghi can Lý Nguyễn Chung ra đầu thú.
Được biết, quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra viện KSND tối cao xác định ông Chiêm đã thiếu trách nhiệm dẫn đến bản án oan của ông Chấn.
Cụ thể, trong quá trình nghiên cứu xem xét phúc thẩm hồ sơ vụ án Nguyễn Thanh Chấn phạm tội giết người xảy ra vào ngày 15-8-2003, ông Chiêm với tư cách là thẩm phán Toà phúc thẩm TAND tối cao, chủ toạ phiên toà đã không kiểm tra tài liệu, đánh giá chứng cứ theo quy định tại Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Ông Chiêm đã sử dụng các chứng cứ được thu thập trái quy định để kết tội ông Chấn giết hại nạn nhân Nguyễn Thị Hoan.
Đặc biệt, tại thời điểm xảy ra vụ án, ông Chấn có nhiều chứng cứ ngoại phạm như việc nhiều nhân chứng có đơn và xác nhận ông Chấn đang gọi điện thoại cho người khác tại nhà riêng nhưng không được xem xét.
Quá trình xét xử phúc thẩm, ông Chiêm chỉ sử dụng chứng cứ duy nhất là lời khai nhận tội của ông Chấn tại cơ quan điều tra và sử dụng biên bản xác định kích thước bàn chân ông Chấn “gần đúng với dấu vết bàn chân thu thập được tại hiện trường” để làm chứng cứ quy kết ông Chấn phạm tội giết người.
Tại phiên toà phúc thẩm, ông Chấn cũng kêu oan nhưng đều không được xem xét.
Ngoài ra, tại phiên sơ thẩm, gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Hoan cũng đề nghị xem xét việc nạn nhân bị mất 2 chiếc nhẫn đeo trên tay trước khi bị sát hại và tiếp tục nêu tại phiên phúc thẩm. Tuy nhiên ông Chiêm không kiểm tra đánh giá chứng cứ trong quá trình điều tra nên đã không phát hiện được những sai sót, vi phạm về tố tụng.
Hành vi của ông Chiêm đã bị phạm Bộ Luật Tố tụng hình sự về nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán, chủ toạ phiên toà trong việc đánh giá chứng cứ vụ án.
Do những vi phạm này đã dẫn đến việc đánh giá sai bản chất vụ án, dẫn đến việc tuyên án tù chung thân đối với ông Chấn khiến ông Chấn phải ngồi tù oan hơn 10 năm.
Hành vi của ông Chiêm bị xác định phạm vào tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Như vậy, trong vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố 3 bị can thuộc cả 3 cơ quan tố tụng.
Trước đó, cơ quan điều tra viện KSND tối cao đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Nhật Luật (nguyên thượng tá, nguyên phó trưởng Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang) và ông Đặng Thế Vinh (nguyên trưởng phòng 10, viện KSND tỉnh Bắc Giang) về hành vi “làm sai lệch hồ sơ vụ án”.
Cơ quan điều tra đã xác định bị can Vinh khi được lãnh đạo viện KSND tỉnh Bắc Giang phân công kiểm sát điều tra vụ án đã không đưa vào hồ sơ vụ án 2 biên bản hỏi cung bị can thể hiện việc ông Nguyễn Thanh Chấn kêu oan, tố cáo bị điều tra viên đe doạ buộc nhận tội.
Bị can Luật cũng đã bỏ ra khỏi hồ sơ vụ án bản tự thú của ông Nguyễn Thanh Chấn mà sử dụng một bản tự thú có sửa chữa.
Bên cạnh đó, quá trình điều tra vụ án, bị can Luật lấy mẫu vân chân của 16 người bị tình nghi, trong đó có ông Chấn, nắm được kết quả giám định mẫu chân thu được tại hiện trường không phải của ông Chấn nhưng bị can này vẫn vẽ, in kích thước bàn chân ông Chấn, buộc ông Chấn khai nhận việc đi chân đất vào nhà sát hại nạn nhân, để làm chứng cứ của vụ án.
Ngoài ra, bị can Luật còn có những hành vi ép cung, buộc ông Chấn phải tập, diễn các động tác gây án cho phù hợp với kịch bản mà bị can Luật nhận định từ hiện trường.