“Cấp phó quá nhiều, có biểu hiện như là ban phát nên cần phải rà soát, đánh giá lại xem việc bố trí như thế có phù hợp không, nếu thừa thì cần phải bỏ bớt”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Sỹ Cương nói như vậy khi trao đổi với Tiền Phong về câu chuyện “lạm phát cấp phó” ngày 4/11.
Ảnh minh họa
Có biểu hiện ban phát
Vừa qua đại biểu phản ánh rằng ngân sách Nhà nước đang phải “còng lưng” trước tình trạng “lạm phát cấp phó”? Ông bình luận thế nào về vấn đề này?
Nếu nói về cảm quan như các đại biểu phát biểu thì đúng là cấp phó quá nhiều và rất nhiều cấp phó là điều không cần thiết. Nhưng số lượng thực tế là bao nhiêu thì không nói được. Cái này có nhiều nguyên nhân, trong đó có những đơn vị vì tính đặc thù nên cần phải có nhiều cấp phó. Ví như Bộ Ngoại giao, có đến 7- 8 Thứ trưởng, nhưng những người đó bổ nhiệm để phục vụ cho công việc đi luân chuyển làm Đại sứ ở các nước.
Tuy nhiên, cũng có bộ, cấp phó, cấp Thứ trưởng phụ trách công việc tại một Ban trực thuộc chẳng khác gì là một trưởng ban. Họ cũng chỉ thỉnh thoảng đến bộ họp ban cán sự và làm mấy việc, những công việc không thực sự cần thiết.
Cái này thực ra chúng ta cũng quy định rồi, nhưng người ta cứ xin, và cứ giải trình là lĩnh vực đó cần phải có một ông Thứ trưởng để làm việc. Ví như một sở muốn bổ nhiệm thêm một cấp phó, khi cấp trên hỏi thì nói, công việc nhiều lắm, chúng em cần người lắm nên phải thêm một phó giám đốc sở nữa. Cuối cùng người ta đưa ra Ban Thường vụ và Thường vụ đồng ý, cấp quota cho, thế là làm quy trình và bổ nhiệm thêm một cấp phó nữa…
Cứ thế dẫn đến cấp phó nhiều. Chưa kể còn là những câu chuyện biểu hiện của việc ban phát cấp phó. Biểu hiện là có nhưng tìm ra chứng cứ là khó.
Bộ Nội vụ là cơ quan gác cổng trong việc bổ nhiệm cán bộ, vậy để xảy ra tình trạng “lạm phát cấp phó”này phải chăng có trách nhiệm của Bộ?
Tôi từng làm ở Bộ Nội vụ tôi thấy họ không thể làm được. Bộ Nội vụ ra văn bản hướng dẫn chỉ được bổ nhiệm 3 vụ phó. Nhưng ông Bộ Nội vụ có phải là người bổ nhiệm đâu, ông bộ trưởng các bộ mới là người bổ nhiệm. Nên rất khó.
Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, bộ có 4 Thứ trưởng nhưng nhiều khi không đủ để bố trí đi họp. Vậy đây có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “lạm phát cấp phó”?
Chúng ta đang họp quá nhiều nên tôi đã phải đề nghị bàn giảm bớt các cuộc họp và xem xét lại thành phần dự họp. Bởi chúng ta biết bây giờ một cuộc họp, Chính phủ yêu cầu lãnh đạo bộ phải tham dự. Như thế Bộ trưởng không đi được thì cấp phó, tức là Thứ trưởng phải đi, chứ vụ phó, vụ trưởng không đi được.
Do đó, tới đây chúng ta cần thay đổi, đừng quá nặng nề về chức danh đi họp. Cái chính là người đi họp có phù hợp với nội dung đó không, có đúng người, đúng việc hay không. Ví như cuộc họp bàn về lĩnh vực A, nhưng ông phụ trách ở lĩnh vực B đi họp thì làm sao hiệu quả được, bởi góp ý thì ông cũng chỉ xin tiếp thu và báo cáo sau.
Tôi cho rằng, chính việc họp nhiều cũng là nguyên nhân góp phần tạo ra cơ chế phải có nhiều cấp phó ở các đơn vị để đi dự họp.
Bổ nhiệm phải thực sự nghiêm túc
Trước tình trạng trên, một số ý kiến cho rằng Quốc hội cần phải có Nghị quyết, hoặc phải quy định cứng số lượng cấp phó vào trong các luật về tổ chức bộ máy, thưa ông?
Cái chính là các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ phải thực sự nghiêm túc, cân nhắc trước khi bổ nhiệm các cán bộ cấp phó. Và việc bổ nhiệm đó phải xuất phát từ nhu cầu thực. Từ nhu cầu đó anh mới soi vào tiêu chuẩn, điều kiện, năng lực xem ai là người đáp ứng được nhu cầu đó. Chứ bây giờ cứ hợp lý hóa vị trí để bổ nhiệm vào đó thì rất khó.
Thứ nữa là người lãnh đạo ở các cơ quan phải xác định ở đơn vị mình với công việc như vậy có bao nhiêu cấp phó là vừa. Chứ không nên lạm phát, ban phát bổ nhiệm cấp phó không thực sự cần thiết.
Cảm ơn ông!
Ngoài những giải pháp tôi nói ở trên thì cần phải tiến hành rà soát ngay tình trạng nhiều cấp phó. Việc rà soát này phải dựa trên cơ sở chức năng nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu điều hành, lãnh đạo hàng ngày ở các đơn vị để xem cần phải có bao nhiêu cấp phó, có nhất thiết cứ mỗi lĩnh vực cần một cấp phó không; hay bao nhiêu lĩnh vực cần một cấp phó là đủ. Cái đó cần phải có đánh giá một cách toàn diện, khách quan đúng thực trạng để rồi có những kiến nghị cụ thể. Có như thế mới ra kết quả chứ không thì rất khó