Phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của cuộc sống và cần có một quy trình chuẩn khi tiến hành soạn thảo, ban hành các văn bản pháp luật.
Thời gian qua không ít trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ban hành xong phải điều chỉnh ngay vì quá chỏi so với thực tế. Thậm chí ngay từ lúc còn là dự thảo, có những quy định “kiểu trời ơi” rất khó khả thi nhưng vẫn được cơ quan soạn thảo đưa vào gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Sỹ Dũng (ảnh), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, xoay quanh vấn đề này.
“Đau ruột thừa lại mổ dạ dày” là không được
. Phóng viên: Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về tình trạng một số bộ, ngành dự thảo các VBQPPL gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội thời gian gần đây như quy định cấm bán bia vỉa hè, ngực lép không được lái xe…?
+ TS Nguyễn Sỹ Dũng: Có thể nói đây là những quy định mang tính chất chủ quan. Nó xuất phát từ một quy trình không chuẩn. Trong quy trình đó người ta không lấy ý kiến đối tượng tác động, các yêu cầu thực tiễn và phản biện của xã hội. Như quy định cấm bán bia vỉa hè. Rõ ràng là anh vì một lợi ích nào đó - để vỉa hè nó thoáng hơn chẳng hạn. Nhưng mà nhiều tuyến phố hiện nay lại không có vỉa hè hoặc chỉ có một đoạn thôi. Đó là chưa nói tới việc cấm bán bia vỉa hè này ảnh hưởng tới các nhu cầu về văn hóa, giải trí, tiêu dùng vốn đã thành thói quen, bản sắc của một cộng đồng người. Bởi vì lương của người ta chỉ có ít thôi, mức sống đa số là thấp thì người ta chọn vỉa hè chứ làm sao vào nhà hàng để uống bia được. Do vậy, khi làm luật anh phải thấy được nhu cầu của xã hội. Anh phải nghiên cứu, phân tích chính sách. Quy định của anh đưa ra có thể chỉ giải quyết được một đoạn hè thông lề thoáng nhưng tổng cộng lại so với việc mất công ăn việc làm, nhu cầu xã hội, mất lòng cả xã hội thì cái nào được hơn? Nếu anh có phương pháp luận trong việc ban hành các quy định pháp luật sẽ đỡ bị người dân phản đối hơn.
. Thưa ông, nguyên nhân nào dẫn đến việc thời gian qua có quá nhiều VBQPPL vừa ra đời đã lạc hậu, không thể áp dụng vào cuộc sống và bị dư luận phản đối như trường hợp Thông tư 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng mới đây?
+ Điều đầu tiên phải nói là khả năng nhận biết vấn đề của cơ quan soạn thảo. Việc xuất hiện những VBQPPL không thể áp dụng vào cuộc sống trong thời gian qua cho thấy có vẻ như phương pháp luận để nhận biết vấn đề của người soạn thảo không ổn lắm. Nhiều khi các văn bản đưa ra là mong muốn của các cơ quan, tổ chức hơn là mong muốn của cuộc sống. Nếu mình xây dựng một VBQPPL mà chỉ theo mong muốn của mình thôi thì rất là khó. Phải để nó vận hành theo quy luật của tự do, của thị trường, những chỗ nào ách tắc, có vấn đề thì mình mới điều chỉnh. Vấn đề ở đây là anh phải nhận biết đúng chứ kiểu “đau ruột thừa mà anh lại đi mổ dạ dày” thì không được.
Dự thảo quy định cấm bán bia vỉa hè trước đây đã có nhiều ý kiến không đồng tình. Ảnh: HTD
Thứ hai, khi đã có vấn đề, anh phải có năng lực để nghiên cứu, xem thực chất nguyên nhân nào gây ra vấn đề đó. Làm luật là phải có một quy trình nghiên cứu vấn đề rồi mới làm chứ không phải là anh cứ nghĩ ra một cái tên rồi cứ thế soạn ra. Trong lúc anh không tìm ra được nguyên nhân thì làm sao đề ra giải pháp chuẩn được. Cùng đó, anh phải tìm ra cho được hành vi nào phát sinh vấn đề để đề ra giải pháp để xử lý hành vi đó. Anh đề ra giải pháp trên luận cứ khoa học chuẩn bao nhiêu thì thực hiện giải pháp đó trong thực tế sẽ mang lại hiệu quả. Nếu anh đề ra những giải pháp sai hay không có năng lực để thực hiện thì các VBQPPL đó không bao giờ có thể đi vào cuộc sống cả.
“Cài quyền” trong các VBQPPL
. Trong quá trình ban hành các VBQPPL thiếu hơi thở cuộc sống, không thể đi vào thực tế như vừa qua dư luận nghi ngờ về trình độ của những người soạn luật, thưa ông?
+ Thực chất vấn đề đầu tiên là những người soạn luật đã không tách bạch hai quy trình: Kỹ thuật của chính sách và chính trị của chính sách. Phải tách bạch hai quy trình này ra. Kỹ thuật chính sách là để các chuyên gia làm, còn chính trị của chính sách là để Chính phủ, Quốc hội làm.
Bước thứ nhất anh phải đặt câu hỏi trước khi soạn luật là có đúng cái luật mình làm là ưu tiên của đất nước hay không. Phải đặt giả thuyết, tiền có chừng này sao lại chi cho cái này, chi cho cái đó tốt hơn hay là cái khác tốt hơn…? Việc xác lập các ưu tiên đó là cần thiết. Nếu Chính phủ phê chuẩn thì lúc ấy hãy soạn thảo còn không thì hãy khoan.
Bước thứ hai là phải gồm các nhà soạn thảo văn bản có chuyên môn tiến hành soạn. Đó là những người có kỹ năng dịch một chính sách thành các quy định của pháp luật. Những người soạn thảo VBQPPL phải hiểu về lý thuyết lập pháp và phải hiểu về lý thuyết hành vi. Hành vi nào thì điều chỉnh được, hành vi nào thì không. Đó là công việc chuyên môn, không phải của các nhà chính trị. Ngoài ra, những người soạn thảo phải được trợ giúp bởi các nhà nghiên cứu xã hội và người phân tích tác động của chính sách. Người ta sẽ bổ sung kiến thức để anh xây dựng các quy định điều chỉnh cho chuẩn.
Nếu mà làm được như vậy thì chúng ta sẽ có quá trình soạn thảo văn bản chuẩn. Còn nếu chúng ta cứ làm theo kiểu “vừa thiết kế vừa thi công” như thế này thì VBPL không thể nào có chất lượng cao.
. Có ý kiến cho rằng khi ban hành các VBQPPL thì các cơ quan chủ trì soạn thảo thường “cài quyền”, “lợi ích” cho bộ, ngành, tạo cái “kẽ hở” cho cán bộ kiếm lợi, lơ là lợi ích của người dân?
+ Nếu chúng ta làm theo quy trình soạn thảo chuẩn như tôi đã phân tích ở trên thì vấn đề “cài quyền năng” vào sẽ rất khó. Còn nếu chúng ta không xuất phát từ việc giải quyết vấn đề do yêu cầu cuộc sống đặt thì sinh ra việc cài quyền vào các VBQPPL. Xu thế của con người là ai cũng muốn cài quyền của mình vào cả. Do vậy, đòi hỏi các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thẩm định phải đủ năng lực để phát hiện và gạt điều đó ra.
. Theo ông, làm sao để việc xây dựng các VBPQPL có chất lượng hơn?
+ Chúng ta đang tiến hành sửa Luật Ban hành VBQPPL. Thiết nghĩ những tư tưởng mới, tri thức mới về quy trình lập pháp hiện đại phải được đưa vào. Trước hết, anh cần có khung khái niệm về cái chuẩn đã. Tiếp đó anh có tách được vấn đề kỹ thuật của chính sách ra khỏi chính trị của chính sách không. Đây là một quy trình chuyên môn hóa rất là sâu, nếu đưa những nhà chính trị làm về kỹ thuật chính sách thì không thể chuẩn được. Nếu mình không phân chia được như vậy thì sẽ rất khó.
. Xin cảm ơn ông.