Tại hội nghị nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố… do VKSND Tối cao vừa tổ chức tại TP.HCM, một vấn đề được tập trung thảo luận là chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên.
Theo VKSND Tối cao, thời gian qua, ngoài nghiệp vụ được nâng cấp, các kiểm sát viên (KSV) cũng chú ý nhiều hơn văn hóa pháp lý trong tranh luận tại tòa. Những năm gần đây, nhiều VKS đã quan tâm xây dựng văn hóa tranh tụng cho KSV, có VKS còn xây dựng quy tắc ứng xử của KSV tại phiên tòa (Hà Nội). Nhiều KSV có khả năng trình bày tốt, giọng truyền cảm, nội dung tranh luận ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, thái độ tranh luận khiêm tốn, không châm biếm, cao giọng, mạt sát mà mềm dẻo, thuyết phục...
Nghiên cứu hồ sơ không kỹ
Tuy nhiên, nhiều KSV vẫn chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ, từ đó tranh luận tại phiên tòa còn phiến diện, hời hợt, không phát hiện được sai sót của cơ quan tố tụng dẫn đến cấp phúc thẩm phải hủy án để điều tra, xét xử lại hoặc tuyên bố bị cáo không phạm tội.
Chẳng hạn vụ Bạo Ngọc Tốt (Hà Giang) phạm tội giết người, khi kiểm sát điều tra và nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên tòa sơ thẩm, KSV đã không phát hiện được điều tra viên ghi lời khai của bị cáo, bị hại, người liên quan… trong cùng ngày, giờ, tháng, năm ở các địa điểm khác nhau. Đây là điều bất hợp lý, cho thấy việc điều tra không tuân thủ quy định pháp luật. Hay vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) liên tục kêu oan nhưng KSV hai cấp chưa nghiên cứu kỹ chứng cứ buộc tội và gỡ tội, không phát hiện ra các mâu thuẫn dẫn đến việc làm oan ông Chấn.
“Đây là hạn chế lớn nhất, cho thấy mục tiêu tranh tụng để làm rõ sự thật của vụ án chưa đạt được. KSV chưa làm tốt công tác tranh tụng nên không phát hiện được vi phạm của cơ quan điều tra và VKS, dẫn đến đồng ý với quan điểm truy tố thiếu căn cứ, đồng ý với bản án sơ thẩm trái pháp luật, làm oan người vô tội. Cũng do không làm tốt công tác tranh tụng nên tại phiên tòa, KSV đã không kịp thời phát hiện các sai sót trong các giai đoạn tố tụng trước đó để rút quyết định truy tố” - ông Nguyễn Văn Nông (Viện trưởng Viện Phúc thẩm 1 VKSND Tối cao) nhấn mạnh.
KSV làm tốt công tác tranh tụng giúp HĐXX đưa ra bản án thuyết phục. Ảnh minh họa: HTD
Không dùng chứng cứ, không hỏi nhân chứng
Cạnh đó, vẫn còn hiện tượng KSV chỉ tranh luận chung chung, lấn sân chức năng điều khiển phiên tòa của chủ tọa mà không toàn tâm vào việc tranh luận vào nội dung chính với mục đích tìm ra chân lý. Ở nhiều phiên tòa, KSV tuy không hẳn từ chối tranh luận nhưng lại né tránh những câu hỏi khó của luật sư. Đặc biệt là các vụ án lớn, phức tạp, dư luận quan tâm, nhiều luật sư tham gia bào chữa.
Việc ghi chép, theo dõi các thông tin, tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa của KSV còn hạn chế dẫn đến việc tranh tụng, xét hỏi, đề xuất quan điểm giải quyết án không thuyết phục. Có vụ KSV đã không sử dụng các chứng cứ trong hồ sơ, không xét hỏi những người tham gia tố tụng, không đấu tranh làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo để xác định sự thật. Ví dụ vụ Nguyễn Văn Trung (Hà Nội) đi vào đường ngược chiều gây tai nạn làm một người tử vong nên bị khởi tố, truy tố về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tại phiên tòa, bị cáo khai không đi ngược chiều. Thế nhưng HĐXX và KSV không hỏi nhân chứng có mặt tại tòa xem lời khai của bị cáo có đúng không, thậm chí không công bố các tài liệu như biên bản khám nghiệm hiện trường, tử thi để làm rõ các va chạm, không đấu tranh với bị cáo để xác định lỗi khi tham gia giao thông mà chỉ căn cứ vào cáo trạng để buộc tội.
Không nắm vững luật
Một hạn chế khác, có khi chính KSV không nắm vững quy định của pháp luật nên không phát hiện được quan điểm sai của luật sư để bác bỏ. Chẳng hạn vụ Nguyễn Đình Vĩnh Tường (Phú Yên) phạm tội trộm cắp tài sản, luật sư cho rằng quyết định khởi tố bị can không có sự phê chuẩn của VKS là vi phạm tố tụng. Thay vì đối đáp rằng “vụ án xảy ra vào năm 2000, thời điểm này BLTTHS chưa quy định VKS phải phê chuẩn quyết định khởi tố bị can” thì KSV lại đồng ý với luật sư, đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Không có di chúc, vậy đất là của nhà nước!
Do không nắm vững luật, không ít trường hợp KSV đưa ra quan điểm giải quyết án thiếu căn cứ, không thuyết phục. Ví dụ phần bồi thường trách nhiệm dân sự trong án hình sự, có KSV không phân tích lỗi các bên, không viện dẫn điều luật mà chỉ đề nghị HĐXX buộc bị cáo bồi thường một nửa số tiền theo yêu cầu của người bị hại dù không có quy định nào như vậy. Hay có KSV hỏi bị cáo: “Có giấy đỏ không? Bố mẹ bị cáo chết đi có để lại di chúc không?”. Bị cáo trả lời: “Chưa có giấy đỏ nhưng có đầy đủ giấy tờ thanh lý tài sản. Bố mẹ bị cáo mất, không kịp để lại di chúc”, KSV khẳng định ngay: “Vì không có di chúc nên đất này thuộc về Nhà nước” (?!).
Né tranh tụng
“Phải nhận thức rằng tranh tụng không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ mà KSV phải thực hiện” - bà Nguyễn Thị Thủy Khiêm (Phó Viện trưởng VKSND Tối cao) nhấn mạnh.
Để đảm bảo thực thi nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, viện trưởng VKSND Tối cao đã yêu cầu các KSV đảm bảo chất lượng năm khâu: Nghiên cứu, lập hồ sơ kiểm sát; lập đề cương xét hỏi; xây dựng bản luận tội ở phiên tòa sơ thẩm và bản phát biểu quan điểm ở phiên tòa phúc thẩm cùng trình bày của KSV tại phiên tòa; kỹ năng xét hỏi; tranh luận tại phiên tòa.
Ông Lê Thành Dương, Viện trưởng Viện Phúc thẩm 3 (VKSND Tối cao), góp ý: “Tôi thấy có quá nhiều ý kiến tập trung vào việc ứng xử hay công tố ngồi đâu (trái, phải hay ngang hàng với luật sư) trong khi mục đích chính của tranh tụng là làm sáng tỏ vụ án lại chưa được quan tâm. Chúng ta phải hiểu rõ nguyên tắc bình đẳng trong xét xử, tức ngang nhau về pháp lý lẫn chỗ ngồi. Thứ hai, nhiều KSV nại rằng bản thân không hỏi được nhiều vì tại phiên tòa, HĐXX giành quyền hỏi chính. Vậy các KSV chúng ta đã chịu hỏi những gì tòa chưa hỏi chưa, chịu hỏi những gì tòa chưa làm rõ chưa? Quan trọng là hỏi cái gì chứ đừng sợ tòa hỏi hết và hỏi luôn phần của ta”.
Vi phạm phổ biến của KSV, VKS
- Giai đoạn điều tra: Không đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu cơ quan điều tra dẫn đến tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều.
- Giai đoạn truy tố: Chưa đánh giá đầy đủ chứng cứ dẫn đến truy tố không rõ, truy tố sai khung hình phạt, sai tội danh. Bỏ lọt tội phạm là người giữ vai trò chính trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
- Giai đoạn xét xử: Chưa thực hiện nghiêm chỉnh việc tranh tụng để xác định sự thật, giúp HĐXX đánh giá đúng chứng cứ nên có trường hợp dẫn đến oan, sai; đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ không có căn cứ; vi phạm giới hạn xét xử; đề nghị xử lý vật chứng không đúng...
Lắp camera phòng xử
Ông Lê Hồng Bào (Phó Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang) cho biết đơn vị mình đã phối hợp cùng ngành tòa án tỉnh này xin kinh phí của tỉnh để lắp đặt hệ thống camera tại phòng xử của các tòa huyện. “Việc có camera giám sát sẽ luôn đặt KSV trong tâm thế phải chuẩn bị kỹ, có tác phong nghiêm túc tại phiên tòa vì luôn có người theo dõi” - ông Bào nói.
Đánh giá cao việc lắp camera này, ông Lê Thành Dương (Viện trưởng Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) cho rằng các địa phương khác cũng có thể học hỏi An Giang.
PHAN THƯƠNG - Theo PLO