Theo các kiểm sát viên (KSV) tham dự hội nghị tập huấn công tác kiểm sát giải quyết vụ, việc dân sự, hành chính, kinh tế…
do VKSND Tối cao tổ chức tại TP Nha Trang, việc quy định hiện hành không cho KSV được phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án tại phiên tòa dân sự, hành chính sơ thẩm đã làm hạn chế vai trò, trách nhiệm của KSV và VKS.
Theo Phó Viện trưởng VKS tỉnh Gia Lai Lê Thị Thu Hà, quy định trên đã khiến vụ án dân sự, hành chính được giải quyết không đạt hiệu quả như mong muốn, khiến án bị hủy, sửa nhiều. Đại diện VKS tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: “Ở các phiên tòa dân dự, hành chính sơ thẩm, chúng tôi chỉ được phát biểu về tố tụng nhưng sau đó chúng tôi lại phải báo cáo cả về phần nội dung lên VKS cấp trên để chủ động trong việc kháng nghị, tức về căn bản chúng tôi vẫn phải nghiên cứu toàn bộ hồ sơ. Vậy tại sao chúng tôi không được quyền phát biểu luôn quan điểm nội dung của vụ án? Việc yêu cầu được phát biểu nội dung trong các vụ án dân sự, hành chính sơ thẩm chính là trách nhiệm của VKS với nhân dân, với xã hội, cũng là cách giúp hạn chế vi phạm của tòa”. Đại diện Viện Phúc thẩm 2 VKSND Tối cao nói: “Ngồi tại tòa mà không cho phát biểu về nội dung thì ức lắm! Phát biểu quan điểm về nội dung nằm trong phạm vi quyền và nghĩa vụ của VKS. VKS làm được thì luật không nên hạn chế”.
Cũng theo đại diện Viện Phúc thẩm 2 VKSND Tối cao, trường hợp người phải thi hành án (THA) không thi hành bản án, quyết định hành chính của tòa thì người được THA có quyền gửi đơn đề nghị cơ quan THA dân sự nơi tòa án đã xét xử sơ thẩm đôn đốc việc thi hành bản án, quyết định hành chính (khoản 3 Điều 244 Luật Tố tụng hành chính). Trong khi đó Luật THA dân sự 2008 lại quy định UBND cùng cấp có quyền “chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong THA dân sự trên địa bàn” (Điều 173, Điều 174, Điều 175). Quy định như vậy dẫn đến trường hợp người phải THA là UBND hoặc chủ tịch UBND thì rất khó thực hiện. Bởi lẽ một phó chủ tịch của UBND sẽ đảm nhận vai trò trưởng ban chỉ đạo THA cùng cấp, UBND cũng có quyền ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan THA dân sự cùng cấp. Đây là thực tế lý giải cho nguyên nhân tại sao việc THA liên quan đến người bị kiện là UBND, chủ tịch UBND lại bị “ngâm” lâu, người được THA phải chờ mòn mỏi.
Về vấn đề này, KSV Võ Quang Huy (VKS TP.HCM) cho biết ông đồng tình với quan điểm nên có một văn bản pháp luật riêng quy định chi tiết, cụ thể việc THA bản án, quyết định hành chính để đảm bảo việc THA đúng pháp luật. Nguyên nhân về việc án hành chính chậm thi hành thì có rất nhiều nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do cơ quan THA dân sự còn cả nể với người phải THA.
Bên cạnh đó, ông Huy cho rằng khi sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính cần nghiên cứu giải quyết triệt để thực trạng bản án phúc thẩm có hiệu lực tuyên hủy quyết định hành chính trái luật của cơ quan quản lý nhà nước, sau đó cơ quan quản lý nhà nước hủy quyết định bị kiện theo bản án nhưng lại ban hành quyết định hành chính mới với nội dung y như cũ. “Cái khác ở đây chỉ là số quyết định, ngày ban hành, còn nội dung gây thiệt hại cho người khởi kiện thì vẫn không có gì thay đổi. Đây là một dạng đối phó rõ ràng của cơ quan quản lý nhà nước nhưng chúng ta đang phải chào thua vì theo luật, quyết định mới này vẫn là đối tượng khởi kiện trong tố tụng hành chính và người dân phải tiếp tục đi kiện quyết định mới mà không có điểm dừng” - ông Huy nói.