Cùng thống nhất là pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định tương thích với Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn nhưng các chuyên gia đều cho rằng vẫn cần cụ thể hóa thêm tội danh về tra tấn trong BLHS…
Tại hội thảo quốc tế về Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn (CAT) do Trường ĐH Luật TP.HCM và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 7-11, các đại biểu nhìn nhận định nghĩa “tra tấn” của CAT chưa được thống nhất trên thế giới. Thực tiễn còn nhiều nước hiểu, định nghĩa về “tra tấn” khác nhau.
Pháp luật Việt Nam đã tương thích
Ở nước ta, GS-TS Đào Trí Úc (khoa Luật Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết trước đây việc cấm tra tấn chưa được pháp luật ghi nhận. Lần đầu tiên Hiến pháp 2013 đề cập cụ thể đến việc cấm tra tấn tại khoản 1 Điều 20: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Ngoài ra, các văn bản pháp luật dưới Hiến pháp chưa đề cập đến khái niệm tra tấn, chỉ mới đề cập đến một số khái niệm liên quan như nhục hình, bức cung.
Theo TS Lương Thị Mỹ Quỳnh (Trường ĐH Luật TP.HCM), dù khái niệm tra tấn chưa được văn bản pháp luật dưới Hiến pháp đề cập nhưng qua nghiên cứu, đối chiếu thì dễ dàng nhận thấy pháp luật Việt Nam hiện hành có sự tương thích cao so với những chuẩn mực của CAT. Cụ thể, BLHS đã quy định hành vi dùng nhục hình, bức cung trong hoạt động tư pháp là tội phạm (Điều 298, Điều 299). Đồng thời, BLTTHS cũng xác định nguyên tắc cơ bản là cấm mọi hành vi bức cung, dùng nhục hình trong quá trình chứng minh tội phạm (Điều 6).
TS Đào Lệ Thu (Trường ĐH Luật Hà Nội) phân tích thêm: Ở một số tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự của con người, tuy dấu hiệu tra tấn không được trực tiếp quy định trong dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng nếu hành vi tra tấn gây hậu quả thì có thể xử lý về các tội giết người (Điều 93 BLHS), cố ý gây thương tích (Điều 104 BLHS)… Ngoài ra, một số tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân (Điều 319, Điều 320, Điều 321 BLHS) cũng ít nhiều phản ánh dấu hiệu của tra tấn.
Năm công an ra hầu tòa ở Phú Yên trong một vụ dùng bức cung nhục hình. Ảnh: CTV
Thạch Sô Phách diễn tả lại cảnh bị treo lên trong tư thế buộc phải đứng bằng hai ngón chân cái. Ảnh: Trần Vũ
Nhưng vẫn cần bổ sung tội tra tấn
Theo GS-TS Nguyễn Ngọc Hòa (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội), dù vậy, để đáp ứng yêu cầu của CAT thì vẫn cần quy định thêm tội tra tấn trong BLHS như là một tội danh riêng biệt thuộc nhóm các tội xâm phạm đến con người và quyền con người.
GS Hòa phân tích: Phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự các tội bức cung, dùng nhục hình chỉ giới hạn trong hoạt động tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự). Do vậy, các tội danh trên không phải là cơ sở pháp lý để xử lý hình sự các hành vi tra tấn xảy ra ngoài hoạt động tư pháp và các hành vi tra tấn về tâm lý.
Theo GS Hòa, một khi bổ sung thêm tội tra tấn thì tội dùng nhục hình sẽ không cần thiết nữa vì các dấu hiệu của tội dùng nhục hình đều có thể xử lý ở tội tra tấn. Riêng tội bức cung thì vẫn cần giữ lại bởi tội bức cung có thể được xem là trường hợp đặc biệt của tội tra tấn, xâm phạm quyền con người trong hoạt động tư pháp.
ThS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trường ĐH Luật TP.HCM) thì đề nghị quy định tội tra tấn người khác trong khi thi hành công vụ trong chương Các tội phạm về chức vụ của BLHS như là cấu thành chung. Tội danh này có khách thể trực tiếp là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và quyền nhân thân của con người. Nếu tra tấn để bức cung thì truy cứu về hai tội là tội tra tấn người khác trong khi thi hành công vụ và tội bức cung; nếu tra tấn trong quân đội thì xử lý bằng các tội xâm phạm đến trách nhiệm, nghĩa vụ quân nhân.
Góp thêm một góc nhìn, TS Võ Thị Kim Oanh (Trưởng khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng để chống tra tấn đạt hiệu quả thì quyền im lặng cho bị can, bị cáo cần sớm được ghi nhận trong luật và đó là yếu tố sẽ hạn chế được hành vi bức cung, dùng nhục hình. Mặc dù pháp luật hiện hành quy định “trình bày lời khai” là quyền của bị can, người bị tạm giữ nhưng việc không chính thức thừa nhận quyền im lặng cho họ dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực trong quá trình xác minh, điều tra tội phạm. Việc quy định bị can, bị cáo chỉ khai báo khi có luật sư sẽ giúp tâm lý họ ổn định và việc tra tấn trong hỏi cung cũng sẽ khó xảy ra.
HỒNG TÚ
Sớm hoàn thiện quy định
Việc sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật hình sự, tố tụng hình sự… sẽ đảm bảo cho pháp luật quốc gia tương thích hơn với các điều ước quốc tế mà nước ta tham gia.
PGS-TS TRẦN VĂN ĐỘ, Phó Chánh án TAND Tối cao
Từ chối chứng cứ có được do tra tấn
Các chứng cứ thu thập được thông qua sử dụng các biện pháp tra tấn, bức cung, dùng nhục hình thường không phản ánh đúng bản chất sự việc, có chất lượng thấp và không đáng tin cậy. Do vậy, để chống việc tra tấn, các cơ quan tố tụng, nhất là tòa án khi thực thi nhiệm vụ của mình nhất thiết không chấp nhận các chứng cứ được thu thập do sử dụng hành vi tra tấn. Cùng với các đào tạo và các hoạt động khác, những người có thể thực hiện hành vi tra tấn sẽ cẩn trọng hơn trong hoạt động của mình và kết quả chống tra tấn sẽ đạt được nhiều kết quả hơn.
Ông SCOTT CIMENT, đại diện Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam