Quá nhiều đầu mối và quản lý lỏng lẻo là nguyên nhân tình trạng tham nhũng nhà công vụ. Các đại biểu Quốc hội kiến nghị một số giải pháp xử lý tình trạng này.
Ảnh: V.Dũng
Ông Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng):
Nên giao một đầu mối quản lý
Vừa rồi, sau sự kiện ông Trần Văn Truyền có nhiều nhà đất, đã về hưu mấy năm rồi nhưng vẫn giữ chìa khóa nhà công vụ, dư luận hết sức bức xúc. Bộ Xây dựng lại vừa công bố cho thấy không ít người hết nhiệm vụ rồi nhưng vẫn khư khư giữ nhà công vụ.
Tôi nghĩ rằng kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương về vụ ông Truyền và công bố của Bộ Xây dựng là rất đáng hoan nghênh, nhưng đó mới chỉ là một phần nhỏ, chúng ta chưa thấy hết được “tảng băng chìm” nhà công vụ.
Tôi đề nghị các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ tổng rà soát nhà công vụ và biệt thự công trong cả nước, công bố danh tính các quan chức đang sử dụng nhà công vụ để dân giám sát.
Cần nêu gương những người lãnh đạo, quản lý khi rời chức vụ trả ngay nhà công vụ cho Nhà nước. Công bố rõ ràng tên những người đã rời chức vụ nhưng không chịu trả nhà. Hơn nữa, chúng ta cũng cần phải công khai, minh bạch tiêu chuẩn của từng đối tượng được hưởng.
Luật nhà ở (sửa đổi) Quốc hội vừa thông qua đã quy định cụ thể đối tượng được ở nhà công vụ, thời gian ở là khi các đối tượng ấy giữ chức vụ, nhiệm vụ ấy nên khi thôi nhiệm vụ thì phải trả lại.
Theo tôi, nên tập trung một đầu mối quản lý nhà nước về nhà công vụ và nên giao cho Bộ Xây dựng.
Chứ hiện nay rất nhiều đầu mối khác nhau quản lý nhà công vụ: có nhà công vụ của cơ quan Đảng, cơ quan Quốc hội, cơ quan Chính phủ, các bộ ngành và cả các tổ chức chính trị - xã hội.
Cần thành lập mô hình như các nước là giao cho các doanh nghiệp xây dựng và quản lý các khu nhà công vụ và những người nào có tiêu chuẩn thì được thuê (giá thuê có sự hỗ trợ của nhà nước). Nếu cứ để cách quản lý như của ta hiện nay rất khó kiểm soát nhà công vụ.
Thử hình dung ra một ông bộ trưởng hoặc thứ trưởng mới nghỉ hưu thì làm sao ông cục trưởng cục quản trị hay chánh văn phòng bộ ấy dám đến đòi nhà, ngày hôm trước ông ấy là sếp ký quyết định bổ nhiệm mình thì ngày hôm sau mình đâu dám ký quyết định thu hồi nhà của ông ấy.
Theo mô hình quản lý nhà công vụ của nhiều nước, các đối tượng được thuê nhà ưu đãi vẫn phải làm hợp đồng với doanh nghiệp, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần chứ không phải là người ở nhà công vụ không có nghĩa vụ nào cả.
Không thể có chuyện anh cũng nhận lương như người khác, trong khi người ta phải bỏ tiền ra mua nhà để ở thì anh lại được bao cấp hoàn toàn về nhà ở.
Chúng ta cần tập trung xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, bác sĩ, lực lượng vũ trang công tác trên các địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa, hải đảo... Đặc biệt là hỗ trợ những công chức, chiến sĩ tự nguyện rời những địa bàn thuận lợi để đến cống hiến ở vùng khó khăn.
Ảnh: V.Dũng
* Ông Trần Ngọc Vinh (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng):
Đề nghị cưỡng chế những người không chịu trả
Luật nhà ở (sửa đổi) đã tiếp thu triệt để ý kiến của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là quy định về nhà công vụ. Theo luật mới, các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ đã bị thu hẹp rất nhiều.
Tôi đề nghị tới đây khi xây dựng các văn bản dưới luật, Chính phủ và Bộ Xây dựng phải hướng dẫn rất cụ thể.
Người không đúng đối tượng thì kiên quyết không phân, giao nhà công vụ. Người thuộc diện được ở nhà công vụ nhưng khi không còn làm nhiệm vụ nữa phải trả lại nhà, nếu không trả phải tổ chức cưỡng chế.
Việc Bộ Xây dựng công bố tình trạng sử dụng nhà công vụ vừa rồi rất tốt, tôi nghĩ nó sẽ đánh động đến các đối tượng không còn chế độ sử dụng nhà công vụ nữa nhưng vẫn chưa chịu trả nhà.
Nhưng tôi xin lưu ý đó chỉ là số lượng rất ít nhà công vụ do Bộ Xây dựng quản lý. Hiện nay còn rất nhiều nhà công vụ của cơ quan trung ương, bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội như Tổng liên đoàn Lao động VN, Hội Liên hiệp phụ nữ...
Việc quản lý lỏng lẻo đã làm nảy sinh tình trạng tham nhũng nhà công vụ như nhiều đại biểu Quốc hội đề cập.
Một số nhà công vụ đã bị hóa giá, cán bộ, lãnh đạo đến ở nhà công vụ ấy rồi xin mua luôn với giá “bèo”, có trường hợp hưởng chênh lệch hàng chục tỉ đồng, gây bức xúc và bất bình trong dư luận cũng như trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Vì vậy, sau Bộ Xây dựng, tất cả cơ quan khác cần rà soát và công khai, minh bạch tình trạng sử dụng nhà công vụ hiện nay để nhân dân được rõ. Tôi cũng cho rằng tới đây thống nhất một đầu mối quản lý nhà công vụ sẽ rất tốt.
LÊ KIÊN ghi
Thứ trưởng trở lên mới được thuê nhà công vụ
Theo Luật nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua chiều 25-11, đối tượng được thuê nhà ở công vụ đã thu hẹp.
Nếu là cán bộ, công chức ở trung ương thì giữ chức vụ từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên, nếu ở địa phương thì từ cấp chủ tịch huyện, giám đốc sở và tương đương trở lên mới được xét thuê nhà công vụ.
Điều kiện là những công chức trên vẫn phải đáp ứng quy định chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại nơi đến công tác và một số điều kiện khác.
Đối với các đối tượng cán bộ, công chức khác nếu được điều động, luân chuyển đến công tác tại các vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo thì mới được bố trí thuê nhà ở công vụ như đối tượng là giáo viên, bác sĩ.
Người đang thuê, thuê mua nhà ở thuộc diện bị thu hồi phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị được giao quản lý nhà ở.
Trường hợp không bàn giao lại nhà ở, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở thực hiện cưỡng chế thu hồi, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà ở này trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi.