Xung quanh vụ Cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố nguyên thẩm phán TAND Tối cao Phạm Tuấn Chiêm (chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xử vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang), chúng tôi nhận được bài viết của Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM). Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc. (*)
Trước tiên tôi xin nói rằng việc ông Chấn bị oan là nỗi đau vô cùng to lớn đối với ông và gia đình. Các cơ quan có thẩm quyền đã phục hồi quyền lợi, xin lỗi công khai và đang tiến hành các thủ tục bồi thường cho ông Chấn theo quy định để làm vơi đi những nỗi đau mà ông Chấn và gia đình đã phải gánh chịu. Từ đáy lòng mình, tôi cầu mong cho ông Chấn cùng gia đình sớm hàn gắn được những vết thương trong quá khứ để tiếp tục sống hạnh phúc với người thân và sự thương yêu, chia sẻ của cộng đồng xã hội.
Bắt đầu từ giai đoạn điều tra
Hiện các cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành điều tra, xử lý những người có trách nhiệm để xảy ra oan sai. Đây là một việc làm hết sức cần thiết nhằm đem lại sự công bằng trong xã hội, răn đe, phòng ngừa những hành vi sai trái tương tự và giữ gìn kỷ cương phép nước.
Về mặt pháp lý, hành vi làm oan người vô tội được cấu thành bởi các yếu tố như chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của công dân. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xem xét đến một yếu tố quan trọng khác nữa, đó là lỗi của những người thực hiện hành vi gây ra hậu quả oan sai đó đến đâu để có quyết định xử lý chính xác.
Theo các thông tin về sự việc này, oan sai của ông Chấn bắt đầu từ hành vi trái pháp luật của những người tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra, khi họ thực hiện việc ép cung, nhục hình đối với ông Chấn, làm cho ông buộc phải “khai nhận hành vi phạm tội mà mình không thực hiện”. Ngoài ra, nếu có thêm hành vi ép buộc ông Chấn phải thực hành việc thực nghiệm điều tra theo đạo diễn của họ thì đó là một hành vi cực kỳ nguy hiểm cho xã hội, vừa trái pháp luật, vừa trái đạo lý.
BLTTHS hiện hành quy định các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử có một sự độc lập tương đối với nhau, đồng thời kiểm soát, chế ước lẫn nhau.
Nếu giai đoạn điều tra tạo ra các chứng cứ phản ánh không đúng sự thật khách quan của vụ án, được hợp thức về mặt hình thức và có liên kết chặt chẽ với các chứng cứ không đúng khác thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng pháp lý hoàn toàn bất lợi cho bị can về mặt chứng cứ. Đồng thời việc này còn làm cho những người tiến hành tố tụng trong các giai đoạn tiếp theo gặp khó khăn khi thực hiện nghĩa vụ chứng minh tội phạm.
Do vậy, việc xử lý trách nhiệm trong trường hợp này phải được bắt đầu từ giai đoạn điều tra với lỗi cố ý của những người thực hiện hành vi ép cung, nhục hình (nếu có) nhằm đạt được các mục đích mà họ mong muốn.
Ông Nguyễn Thanh Chấn bên vòng tay người thân và bạn bè. Ảnh: LĐ
Xem xét yếu tố lỗi
Mặt khác, Điều 113 BLTTHS đã quy định khi thực hiện công tác kiểm sát điều tra, VKS có nhiệm vụ và quyền hạn như kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra, kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng... Nếu VKS thực hiện tốt chức năng luật định thì sẽ phát hiện được các vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra để yêu cầu CQĐT khắc phục hoặc yêu cầu thủ trưởng CQĐT xử lý nghiêm minh điều tra viên đã vi phạm pháp luật trong khi tiến hành điều tra.
Việc VKS không phát hiện được sai sót trong điều tra vụ án của ông Chấn, vẫn ra cáo trạng truy tố ông Chấn, sau đó phân công kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa, dùng những chứng cứ bất lợi cho ông Chấn để tranh luận, bảo vệ việc truy tố của mình thì VKS phải chịu hậu quả pháp lý của việc làm oan, tương ứng với mức độ lỗi và trách nhiệm theo quy định.
Tương tự, chúng ta cũng cần chiếu theo các quy định của pháp luật để xem xét yếu tố lỗi của những người tiến hành tố tụng trong giai đoạn xét xử khi xử lý những sai phạm của họ. Ví dụ xem xét việc thực hiện các trình tự tố tụng hình sự trong giai đoạn xét xử sơ, phúc thẩm của HĐXX có đúng pháp luật hay không, có đưa tất cả chứng cứ cũ, chứng cứ mới, tài liệu, đồ vật mới bổ sung để xem xét tại phiên tòa hay không, bản án của tòa có căn cứ vào tất cả chứng cứ cũ và chứng cứ mới của vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa hay không… Trên cơ sở đó, nếu xác định những người tiến hành tố tụng ở tòa án các cấp có lỗi dẫn đến làm oan trong xét xử thì họ cũng phải chịu hậu quả pháp lý tương ứng với mức độ lỗi của họ trước pháp luật.
Xem lại chất lượng công tác giám đốc
Sự thận trọng, có trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong các giai đoạn tố tụng là rất cần thiết. Trong vụ án của ông Chấn, ngoài kết quả xét xử sơ, phúc thẩm thì còn hai cơ quan có thẩm quyền xem xét lại bản án phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm nữa là TAND Tối cao và VKSND Tối cao. Nhưng thực tế, người có công lớn nhất để minh oan cho ông Chấn sau 10 năm ở tù lại chính là vợ ông Chấn chứ không phải là cơ quan có thẩm quyền thực thi công vụ.
Vì thế nhân sự kiện này, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần nhìn nhận lại chất lượng công tác giám đốc, kiểm tra kết quả xét xử của tòa cấp dưới để tìm giải pháp nâng cao trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong lĩnh vực trên nhằm hạn chế các sai sót tương tự
(*) Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của người viết.