Có ý kiến đề nghị tăng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cho phù hợp thực tiễn và công tác xét xử. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng dù tăng hình phạt cũng không thể giải quyết được vấn đề và còn ảnh hưởng cấu trúc chung về hình phạt của BLHS
Trong những năm gần đây, vấn đề người chưa thành niên (CTN) phạm tội, nhất là tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm trẻ em…, đã gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh đáng báo động. Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về hình phạt trong phần chung của BLHS, về vấn đề người CTN phạm tội, quan điểm của ban soạn thảo vẫn giữ nguyên các quy định của BLHS năm 1999, tức người CTN từ đủ 17 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì khung hình phạt cao nhất vẫn chỉ là 18 năm tù.
Đề nghị tăng hình phạt
Tại hội thảo “Góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về hình phạt trong phần chung của BLHS” do Bộ Tư pháp tổ chức tại TP HCM mới đây, có ý kiến cho rằng việc giữ nguyên quy định trên không còn phù hợp với thực tiễn và công tác xét xử, đề nghị tăng hình phạt người CTN phạm tội đặc biệt nghiêm trọng theo hướng khống chế hình phạt tối đa lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Một vụ án giết người, cướp tài sản tại quận 12, TP HCM do các bị cáo là người chưa thành niên thực hiện
"Dù rằng chính sách của nhà nước ta là khoan hồng khi xử lý người CTN phạm tội nhưng cần thiết vẫn nên xử lý nghiêm minh. Tôi xin dẫn một vụ án cụ thể mà tôi là người trực tiếp xét xử. Một bị cáo sau khi hiếp dâm đã bóp cổ bé gái 10 tuổi chết vì sợ bị phát hiện. Cùng lúc phạm 2 tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người” nhưng khi phạm tội, bị cáo này còn vài ngày nữa mới tròn 18 tuổi. Nhận mức án 18 năm tù, nét mặt bị cáo vẫn tỉnh bơ trong khi gia đình bị hại đau khổ tột cùng vì bé gái là con duy nhất của cặp vợ chồng hiếm muộn, không thể sinh thêm đứa con thứ hai” - thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM, dẫn chứng.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM) phân tích trẻ em ngày nay có suy nghĩ, tư duy, hành động khác xa với trẻ em ngày trước do tiếp nhận nhiều kênh thông tin rồi bắt chước theo. Trong những trường hợp trẻ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì phải có mức án nghiêm khắc, có thể nặng hơn so với khung hình phạt hiện hành nhưng cần được nghiên cứu kỹ.
Luật sư Thủy chia sẻ: “Vấn đề là phải làm cho trẻ hiểu, nhận thức được hậu quả việc làm của mình đối với bản thân và cả gia đình nạn nhân. Một điều thấy rõ nhất giữa người CTN và đã thành niên là dù cho gan lì, cứng đầu cách mấy, người CTN vẫn không thể che giấu, khai gian dối, “qua mặt” được điều tra viên. Không ít trẻ phạm tội nghiêm trọng khi đã thừa nhận tội lỗi thường khóc và muốn trở về với gia đình, mẹ cha”.
Không nên tăng hình phạt
Trong khi đó, thẩm phán Vũ Phi Long, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, cho rằng trước khi phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em thì đường lối xét xử đối với người CTN phạm tội là khoan hồng, răn đe, giáo dục và giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm. Việc áp dụng hình phạt án tù đối với những đối tượng này chỉ là biện pháp cuối cùng.
“Chúng tôi thấy rằng mức án cao nhất là 18 năm tù dành cho người CTN phạm tội đặc biệt nghiêm trọng là phù hợp. Cho dù có nâng lên 1 - 2 năm nữa cũng không giải quyết được vấn đề gì mà ảnh hưởng đến cấu trúc chung về hình phạt của BLHS. Việc người CTN phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như vụ án Lê Văn Luyện hoặc một số vụ án khác thì đó là khiếm khuyết của xã hội. Tuy nhiên, không thể vì một số vụ nhỏ như vậy mà áp dụng chung cho cả cộng đồng, nâng khung hình phạt đối với trẻ em. Như vậy không thỏa đáng” - ông Long nói.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng không nên tăng hình phạt đối với người CTN bởi lẽ “chưa có một nghiên cứu khoa học nào cho thấy tăng hình phạt lên tù chung thân hoặc tử hình đối với người CTN thì tỉ lệ tội phạm CTN sẽ giảm”.
“Về mặt xã hội, người CTN chưa hoàn thiện về nhân cách, nhận thức của họ cũng hạn chế hơn rất nhiều so với người đã thành niên. Khi họ thực hiện một hành vi, bản thân họ cũng không nhận thức đầy đủ về pháp luật và hậu quả pháp lý mà họ phải gánh chịu. Nếu đánh đồng nhận thức của người đã thành niên với người CTN như nhau là không công bằng, chưa thể hiện được tính nhân văn và nhân đạo. Hơn nữa, nhìn ở một góc độ khác, người CTN phạm tội cũng là “nạn nhân” của xã hội” - luật sư Đức phân tích.
Nghiêm minh nhưng phải nhân văn
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó trưởng Khoa Tâm lý Giáo dục Trường Đại học Sư phạm TP HCM, cho rằng trẻ em ngày nay có xu hướng dậy thì sớm, chịu nhiều sự tác động về mặt xã hội, sự phát triển cái tôi… Vì vậy, việc nghiên cứu hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cũng như đối với những tội phạm nghiêm trọng cần được xem xét đặc biệt là điều hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần thực hiện đó là thực thi pháp luật nghiêm minh, quyết liệt nhưng phải nhân văn.
Song song đó, vấn đề giáo dục pháp luật cho trẻ phải thực sự tích cực, mạnh mẽ; giáo dục đạo đức cần hướng đến các bài học làm người và giáo dục của gia đình cần thân tình, dạy con lựa chọn các giá trị… Có như thế mới giúp trẻ sống tốt và tuân thủ chuẩn mực đạo đức.