Báo chí sau phiên QH lấy phiếu tín nhiệm đã đổ xô đi tìm ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan để giải đáp một câu hỏi vì sao số phiếu tín nhiệm cao của Bộ trưởng Bộ Y tế thấp nhất trong những chức danh được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm. Và câu trả lời của vị Phó GĐ Sở Y tế TPHCM là một nỗi buồn. “Tôi rất buồn. Buồn với tư cách cán bộ của ngành y tế, thấy ngành chưa cố gắng hết mức. Buồn với tư cách cử tri, vì những ngành quan trọng như giáo dục, y tế, văn hóa lại chưa đáp ứng tốt mong đợi của nhân dân” - bà nói.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã “lội ngược dòng” đợt lấy phiếu tín nhiệm (ảnh trái). Bộ trưởng Tiến đã nỗ lực nhiều trong công tác điều hành. Ảnh: KỲ ANH
Lẽ công bằng cho người nỗ lực
Tin rằng, câu trả lời của bà Phong Lan là thật chứ không chỉ là góc độ ngoại giao, bởi ngay trước kỳ họp QH này, bà đã phải nhận một công văn của Bộ Y tế cho rằng phát biểu của bà về đấu thầu thuốc dù với tư cách một ĐBQH là: “Hoàn toàn sai”, là “gây hiểu lầm”, thậm chí là “điều cực kỳ nguy hiểm".
Tâm trạng của bà Lan giống y như cái cảm xúc của những cán bộ ngân hàng năm ngoái khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình “đội sổ” về tín nhiệm thấp. Năm nay, Thống đốc Bình chỉ có 41 phiếu tín nhiệm thấp, so với 209 phiếu của năm 2013. Sự chuyển biến có thể chủ quan đến từ những lời ngợi khen được soạn sẵn trong những phát biểu nghị trường. Nhưng nói cho công bằng, hơn một năm qua, ông Bình đã giải quyết được rất nhiều việc.
Một năm, khi lạm phát không còn trở thành một mối đe dọa, một năm, các ngân hàng dần đi vào quỹ đạo tái cơ cấu. Và một năm, không dùng bất cứ đồng ngân sách nào để giải quyết “cục máu đông” nợ xấu. Chỉ số tín nhiệm của thống đốc tăng là công bằng. Công bằng với những nỗ lực của ông mặc dù nợ xấu và khả năng tiếp cận vốn của DN chắc chắn vẫn sẽ còn khiến ông đau đầu dài dài.
Bộ trưởng phải cần có sự quyết tâm
Năm nay, có lẽ Bộ trưởng (BT) Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng sẽ “đau đầu dài dài” khi tên ông xuất hiện trong nhóm “cầm đèn đỏ”. Nói như ĐBQH Dương Trung Quốc, đó là lĩnh vực “tưởng như ít ai quan tâm như BNV, cuối cùng phiếu tín nhiệm lại rất thấp”. Dân quan tâm chứ bởi tiền thuế của họ đang phải cõng trên vai bộ máy ngót nghét 2 triệu công bộc mà sau mấy cái đề án tinh giản vẫn chỉ có tăng chứ không có giảm. Còn cải cách chế độ công vụ công chức vẫn chuyển biến quá chậm.
BT Nguyễn Thị Kim Tiến cũng có nỗi khổ của một tư lệnh ngành phải “tay không bắt giặc”. Chẳng hạn, chuyện giải quyết vấn nạn “cá hộp bệnh viện” tồn tại từ hàng chục năm nay không thể một sớm một chiều khi mà việc cắt giảm đầu tư công vẫn là một trong những ưu tiên trong điều hành của Chính phủ. Nói như nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm “bệnh viện quá tải, nếu chỉ hô hào mà không chi tiền thì làm sao mà thay đổi được”.
Số phiếu tín nhiệm thấp của bà, từ 146 năm ngoái, giờ tăng lên 192, chiếm đến hơn 38% tổng số đại biểu QH, có lẽ có nguyên nhân từ những bức xúc thường ngày. Những ca trẻ em tử vong sau tiêm phòng. Những tiêu cực từ đội ngũ cán bộ y tế. Giá thuốc chữa bệnh cao ngất ngưởng trên đầu những bệnh nhân nghèo khó. Hàng loạt những lô thiết bị y tế đồ rởm…
Một BT phải chịu trách nhiệm ngay cả đối với những ca tử vong, đối với tiêu cực của từng cán bộ y tế và nhất là đối với “nỗi khổ cá hộp” của bệnh nhân. Nhưng công việc của một bộ trưởng không phải là trực tiếp cầm cái xi lanh, không đứng đường bán thuốc hay đóng dấu nhập khẩu thiết bị.
Hình ảnh BT Tiến, đội mũ cối xuống, đứng dưới tượng Hải đội Hoàng Sa ở Lý Sơn, mở đầu phong trào “ngành y tế cùng ngư dân bám biển, có mặt ở Điện Biên, trong ngày mà các bác sĩ trẻ náo nức tình nguyện lên vùng cao, tới những huyện nghèo nhất, để phục vụ nhân dân...
Cần phải công bằng rằng chưa bao giờ hệ thống cảnh báo của Bộ Y tế đã hoạt động tốt đến như vậy khi dịch Ebola đe dọa toàn thế giới.
Cần phải công bằng rằng, chẳng hạn trong scandal Rio-Rad, hành xử của Bộ trưởng Tiến, trong việc đề nghị ngành CA điều tra hay gửi công thư đến ĐSQ Mỹ, là rất quyết liệt.
Không khó để nhận thấy những vị BT giành tín nhiệm cao năm nay là những bộ trưởng hành động. Và ngược lại.
Xin hãy nhìn một cách lạc quan, chẳng hạn chỉ số tín nhiệm chỉ như một thông điệp từ nhân dân gửi tới các vị tư lệnh ngành.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, ĐBQH Lê Thành Nhơn:
Việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn là cần thiết - cần thiết không chỉ riêng cho các vị được bỏ phiếu mà còn cho bản thân các ĐBQH - những người đại diện cho mấy chục triệu cử tri trong cả nước, trong việc giám sát hoạt động Quốc hội. Tôi cũng cho rằng, không phải người nào có số phiếu tín nhiệm cao là giỏi hơn và tài hơn hay nói cách khác, không có cơ sở để đánh giá, so sánh một vị bộ trưởng với một vị là ĐBQH chuyên trách - khi cả hai người có số phiếu tín nhiệm ngang nhau bởi mỗi một người có những trách nhiệm khác nhau, với những công việc rất khác nhau. Tôi hoàn toàn chia sẻ với những vị bộ trưởng này về số phiếu họ nhận được.
Tuy nhiên, xét về mặt tích cực thì đây cũng là một yếu tố để nhắc nhở, động viên họ tiếp tục cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà Quốc hội và Chính phủ giao. Theo tôi, có thể sử dụng 2 lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua để đánh giá toàn bộ hoạt động của các vị đại biểu giữ các chức danh này, trong nhiệm kỳ hoạt động của mình. K.Y.M
GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT: Thống đốc Bình có công trong việc tái cấu trúc ngân hàng
Tôi không cho rằng việc Thống đốc Nguyễn Văn Bình có số phiếu tín nhiệm cao lần này (323 phiếu), tăng mạnh so với lần lấy phiếu tín nhiệm lần trước là lội ngược dòng. Thực tế vừa rồi ông Bình đã có công trong việc tái cấu trúc ngân hàng, đưa ra được nhiều chính sách rành mạch và rất cương quyết trong việc giúp Việt Nam kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, theo tôi, vẫn cân nhắc thêm về việc quy định chỉ trao quyền kinh doanh vàng cho Nhà nước.
Tất nhiên tôi hiểu là khi ông Bình đưa ra chính sách như vậy thì sẽ kiểm soát được giá vàng, thị trường “chợ đen” không thao túng được giá vàng, vàng khó có cơ hội tăng giá. Song ngược lại, cần phải thấy rằng vàng là một loại hàng hóa, cần phải được hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc thị trường. Việc quy định như vậy sẽ làm bó lại một lượng vàng rất lớn từ 400-500 tấn trong dân, không đưa được ra đầu tư phát triển. Đây lại là tác động tiêu cực, làm chết một nguồn vốn lớn trong dân, làm thiệt thòi cho nền kinh tế. Phạm Huệ
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN Nguyễn Văn Thanh: Đánh giá tín nhiệm là khẳng định bản lĩnh các “tư lệnh” ngành
Với vai trò là thủ lĩnh của ngành GTVT, chỉ trong một thời gian ngắn ông Đinh La Thăng đã có nhiều quyết đáp, đã giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc của ngành GTVT từ đường sắt, hàng không, hàng hải đến các vấn nạn của vận tải đường bộ... Theo tôi, đột phá lớn nhất của ông Thăng là tái cơ cấu lại các DNNN cùng đó là cải cách các thủ tục hành chính và cổ phần hoá các DNNN, để đưa ra những chính sách phát triển của ngành. Bộ GTVT cũng đi đầu trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bằng cách thi tuyển chọn hiền tài… Đặng Tiến ghi
GS Phạm Minh Hạc (ĐH Quốc gia Hà Nội): “Không nên đổ hết trọng trách lên vai ngành giáo dục”
Thực ra, dư luận và đại biểu vẫn đang quá băn khoăn về sự thành công trong đổi mới giáo dục, mà cụ thể là đổi mới chương trình, SGK. Có vẻ như mọi người vẫn chưa được “đả thông” về điều này, đồng nghĩa với việc chưa hẳn tín nhiệm trọng trách của ngành giáo dục. Tôi cho rằng , không nên đổ hết trọng trách lên vai ngành giáo dục.
Thực ra, y tế hay giáo dục lâu nay đều có rất nhiều vấn đề khiến người dân băn khoăn. Nhưng ngay cả dự án lớn về đổi mới chương trình, SGK, Chính phủ phải vào cuộc, cùng với ngành giáo dục để làm, mà cụ thể là Uỷ ban Đổi mới giáo dục quốc gia. Người dân hãy công tâm hơn khi nhìn nhận về trách nhiệm của bộ. D.H
Theo: LĐ