Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân vừa trả lời phỏng vấn Thanh Niên Online liên quan đến việc cha con ông Trần Quốc Hải được Chính phủ Hoàng gia Campuchia tặng huân chương “Đại tướng quân”, cùng nhiều phần thưởng giá trị cho những cống hiến trong sửa chữa, chế tạo xe quân sự của quân đội nước này.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện bên hành lang Quốc hội hôm nay, 17.11.
* Thưa Bộ trưởng, tại sao những người nông dân như cha con ông Trần Quốc Hải lại không thể sáng tạo, cống hiến ngay trên đất nước mình?
Sức sáng tạo của mọi người, kể cả những nhà khoa học có bằng cấp hay người nông dân bình thường, đều đáng trân trọng như nhau. Vấn đề ở chỗ, sự sáng tạo ấy có thị trường hay không. Ở đâu đó tạo ra được thị trường có sự đặt hàng thì những sáng tạo ấy có khả năng được ứng dụng ra xã hội.
Trong lĩnh vực quốc phòng ở ta, việc sửa chữa các thiết bị, máy móc cũng là công việc rất quan trọng. Tôi cảm nhận được ở ta các hệ thống nhà máy công nghiệp quốc phòng đã làm tốt việc này nên chúng ta chưa có nhu cầu đặt hàng những người dân khác ngoài hệ thống quốc phòng tham gia vào việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các máy móc quốc phòng.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận: cơ chế chính sách của chúng ta trong lĩnh vực này có những bất cập. Chính phủ đã có nghị định về sáng kiến năm 2013 nhưng vướng mắc với hệ thống luật pháp nên nguồn lực để hỗ trợ cho những sáng kiến, sáng tạo của người dân chưa có cơ chế và nhìn chung rất khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Quân - Ảnh: Ngọc Thắng
Cho đến nay, chưa có điều khoản nào trong các văn bản luật pháp của ta cho phép các cơ quan nhà nước có thể dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Ở đâu đó, nếu có hỗ trợ được thì cũng phải xã hội hóa, hoặc dùng những khoản kinh phí rất hạn chế từ ngân sách nhà nước để làm. Điều đó cũng hạn chế những hỗ trợ của nhà nước cho khả năng sáng tạo của người dân.
Chắc chắn là nếu cơ chế chính sách của chúng ta cho phép cơ quan nhà nước hoặc người đứng đầu cơ quan nhà nước có thể hỗ trợ với mức như Chính phủ Campuchia đang làm thì người dân của ta khi đó có thể sáng tạo trên quê hương của mình. Chúng ta cũng có những điều chỉnh, như luật Khoa học - Công nghệ 2013 là một bước tiến mới đưa ra cơ chế đặt hàng, cơ chế khoán chi và cơ chế quỹ. Nếu Chính phủ và Quốc hội tiếp tục thể chế hóa tốt những quan điểm này, tôi tin những nhà khoa học cũng như người dân của chúng ta có thể thực hiện tốt những sáng tạo, ý tưởng khoa học của mình so với trước đây.
Qua việc trên, chúng ta cũng thấy, cơ chế của Campuchia rất thoáng, họ có thể tin tưởng giao cho một người nước ngoài một khoản tiền rất lớn để làm việc đó, trong khi chúng ta chưa có quy định nào cho phép có thể làm việc đó một cách thông thoáng như vậy.
* Bộ trưởng nghĩ thế nào về nhận định Việt Nam có đầy đủ hệ thống trường đại học, viện nghiên cứu, cũng có đến hàng chục nghìn tiến sĩ, giáo sư nhưng mỗi khi có những sáng tạo thực sự gắn với đời sống lao động sản xuất thực tế thì lại đến từ những người nông dân, chứ không phải đội ngũ khoa học hùng hậu kia?
Cũng phải nhìn nhận một cách bao quát, công bằng là rất nhiều sáng tạo, nghiên cứu khoa học của ta đã được ứng dụng thành công, nhưng ta lại không mấy khi để ý đến, vì coi đó là chuyện đương nhiên. Xin nói là các nhà khoa học của ta đã làm được rất nhiều sản phẩm có giá trị cho cuộc sống như là hệ thống vắc xin. Việt Nam là 1 trong 4 nước trên thế giới làm được vắc xin Rota. Chúng ta cũng làm được các loại vắc xin tiêm chủng mở rộng phòng 67 bệnh cho trẻ em. Không phải nước nào cũng làm được điều đó.
Hoặc, chúng ta cũng đang làm chủ được công nghệ chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước và 120m nước đạt tiêu chuẩn quốc tế và thực tế đã hạ thủy thành công, trở thành 1 trong 3 quốc gia ở châu Á làm được điều đó… Còn rất nhiều sản phẩm khác do giới khoa học làm ra đang được sử dụng, nhưng dường như xã hội chưa chú ý, nhưng những thành công của người dân, có thể là chưa có bằng cấp, được đề cập nhiều hơn.
Có những hiện tượng mà chúng ta cần khuyến khích. Không phải Bộ Khoa học - Công nghệ không quan tâm đến điều đó, vấn đề là cơ chế chính sách của chúng ta chưa phù hợp để có thể hỗ trợ được tối đa với người dân. Như tôi đã nói, những công trình ấy, nếu người dân có sự gắn kết, hợp tác chặt chẽ với cơ quan khoa học thì tôi tin là nó còn tốt hơn nữa. Nhưng hiện nay, ngay người dân cũng tự mình mày mò, chưa có sự hợp tác.
Còn nói số lượng tiến sĩ, giáo sư của chúng ta nhiều nhất khu vực thì cũng chưa có sự kiểm chứng. Trong số mấy chục ngàn tiến sĩ của chúng ta, tỷ trọng những người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật không cao và những người còn thực sự làm khoa học lại càng ít nữa, vì rất nhiều người trong số đó đã đi làm quản lý, làm doanh nghiệp hay các lĩnh vực khác. Để có một sự đánh giá thật đầy đủ, tôi nghĩ cần có cuộc điều tra để xem trong số 25.000 tiến sĩ, có bao nhiêu người làm trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và có bao nhiêu người còn trực tiếp làm công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Còn cứ nói như thế này thì giới khoa học cũng cảm thấy còn gì đó chưa khách quan.
Tôi cũng nghĩ những người nông dân không bằng cấp nhưng làm được những điều như đề cập ở trên, thực sự họ là những nhà khoa học, không bằng cấp nhưng họ đam mê, họ nghiên cứu rất nhiều, họ đọc sách rất nhiều, hơn cả những người có bằng cấp. Cho nên, nếu nói những người đó không phải là nhà khoa học thì không đúng, chúng tôi gọi họ là những nhà khoa học không bằng cấp và cũng trân trọng họ không khác những nhà khoa học có bằng cấp, khi những sáng tạo, sản phẩm của họ có ý nghĩa với xã hội.
* Thực tế, qua tiếp xúc với báo chí, rất nhiều nhà khoa học không bằng cấp phàn nàn là chưa nhận được sự khuyến khích, tạo điều kiện cần thiết của cơ quan quản lý, thậm chí là gây khó khăn trong việc sản xuất, tạo ra các sản phẩm của mình. Đơn cử như trường hợp ông chủ của tàu ngầm mini Trường Sa 1, bị gây khó khăn khi thực hiện các hoạt động chạy thử nghiệm?
Có một số lĩnh vực như an ninh quốc phòng, muốn làm gì nên hợp tác với cơ quan quản lý, vì chắc chắn nếu tàu ngầm đó, người này chỉ làm cho gia đình, chạy trong ao, trong hồ của gia đình thì không ai ngăn cản nhưng một khi tàu ngầm muốn đưa ra chạy thử nghiệm trên sông, trên biển, máy bay muốn bay trên trời thì chắc chắn phải được cấp phép của các cơ quan quản lý nhà nước vì việc này liên quan đến tính mạng tài sản của người dân cũng như của chính người chủ tạo ra các sản phẩm đó. Đấy là chưa kể khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng của quốc gia nữa.
Lẽ ra họ phải hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước vì thiết bị máy móc phải có quy chuẩn tiêu chuẩn và nếu là phương tiện giao thông phải có đăng kiểm - điều kiện bắt buộc theo luật, luật đâu cũng thế. Vậy nên, nếu họ có sự hợp tác từ đầu, cơ quan nhà nước có sự kiểm tra giám sát trong quá trình chế tạo, cấp chứng nhận đăng kiểm, được phép lưu hành thiết bị đó… thì thuận lợi hơn.
Trường hợp tàu ngầm ở Thái Bình, một vài máy bay ở Hà Nội, Tây Ninh… những người làm có ý tưởng đó thì họ chưa thực sự hợp tác với các cơ quan nên làm xong rồi cũng không thể được cấp phép. Các cơ quan cấp phép lại phải căn cứ vào việc các mô hình đó được thiết kế trên tiêu chuẩn, quy chuẩn nào không, cơ quan nào đăng kiểm…, vì thế rất khó cho cơ quan cấp phép. Còn nếu họ hợp tác từ đầu, mời cơ quan đăng kiểm tham gia từ đầu, kiểm định từ thiết kế cho tới chất lượng từng mối hàn, việc chế tạo từng thiết bị sử dụng trong mô hình đó, thì mới có thể cấp phép hoặc cấp đăng kiểm được.
Đó cũng là câu chuyện tôi đã nhiều lần trao đổi với người dân, rằng nếu bà con có ý tưởng thì nên liên hệ với cơ quan quản lý ở các địa phương là các Sở Khoa học - Công nghệ, họ sẽ giúp liên lạc, kết nối với các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học, cơ quan quản lý để người dân được thuận lợi hơn.
Đương nhiên là có khó khăn khi ngân sách nhà nước dành cho hoạt động này gần như không có nên người dân khi đến với các cơ quan nhà nước là tìm sự hỗ trợ về tài chính nhưng không đạt được nên bà con không tìm đến nữa, nhưng cần phải hiểu, hỗ trợ tài chính cũng chỉ là một phần, quan trọng còn là những hỗ trợ tư vấn về quy định quản lý để làm sao sản phẩm làm ra được cấp phép và lưu hành.
Theo: Mạnh Quân (thực hiện) - TPO