Chuyện chống bức cung, nhục hình một lần nữa lại nóng lên khi vào hôm nay (11-9), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình về vấn đề này với sự tham gia của Bộ Công an, VKSND Tối cao…
Trong phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, nội dung chính sẽ là việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự.
Năm cán bộ công an Tuy Hòa (Phú Yên) dùng nhục hình đối với nạn nhân Ngô Thanh Kiều ra hầu tòa. Ảnh: CTV
19 cán bộ, điều tra viên bị khởi tố vì dùng nhục hình
Theo báo cáo của Bộ Công an, theo số liệu thống kê từ ngày 1-1-2011 đến 31-12-2013, đã có 192 trường hợp cán bộ cơ quan điều tra các cấp vi phạm pháp luật, trong đó 107 trường hợp bị khởi tố, điều tra. VKSND Tối cao đã khởi tố 26 vụ án/40 bị can về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có 19 bị can nguyên là cán bộ, điều tra viên bị khởi tố, điều tra về tội dùng nhục hình.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hình sự nhận xét thực tiễn số vụ việc có thể nhiều hơn các vụ án đã khởi tố điều tra. Nhận định này không phải không có cơ sở khi tại nhiều phiên tòa, các bị cáo khai do bị bức cung, dùng nhục hình trong giai đoạn điều tra nên khai không đúng sự thật và khai lại với nội dung khác. Nhưng lời khai về bức cung, nhục hình khó được tòa chấp nhận vì không có chứng cứ để chứng minh.
Thực tiễn cho thấy việc tố giác về bức cung, dùng nhục hình của người bị tạm giữ, tạm giam khó thực hiện; việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm bức cung, dùng nhục hình còn hạn chế; hoạt động điều tra thu nhập, đánh giá chứng cứ, chứng minh tội phạm, người thực hiện tội phạm trong các vụ việc bức cung, dùng nhục hình gặp nhiều khó khăn do hành vi phạm tội xảy ra trong địa điểm, bối cảnh đặc biệt, khép kín, ít có nhân chứng…
Ghi hình buổi hỏi cung, có luật sư giám sát
Trong quá trình tìm hiểu tình hình chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách, Ủy ban Tư pháp đã nhận được nhiều góp ý, kiến nghị để hạn chế tối đa tình trạng này.
Chẳng hạn, cần sửa đổi toàn diện BLTTHS và xây dựng một số luật liên quan đến công tác điều tra án hình sự như luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, luật tạm giữ, tạm giam… Trong đó, BLTTHS cần sửa đổi, bổ sung để quy định rõ quy trình thu thập, bảo quản chứng cứ điện tử; quy định rõ “các biện pháp nghiệp vụ” mà cơ quan điều tra được thực hiện để đấu tranh thu thập chứng cứ, tránh việc áp dụng tùy tiện. BLTTHS cũng cần được sửa đổi theo hướng bảo đảm hơn nữa quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, tạm giam; tạo điều kiện cho người bào chữa được tham gia sớm nhất để giám sát hoạt động thu thập chứng cứ (được tham gia ngay khi có sự đề nghị hoặc đồng ý của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và họ chỉ cần đăng ký với cơ quan tố tụng).
Mặt khác, quy định rộng rãi hơn cho người có quyền thu thập chứng cứ, mở rộng phạm vi sử dụng các biện pháp chứng minh và nguồn chứng cứ, tiến tới thay vì biện pháp chứng minh bằng lời khai như hiện nay thì chứng minh bằng dấu vết, vật chứng, theo đó hạn chế xảy ra các hành vi bức cung, dùng nhục hình.
Song song đó, việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung người bị tạm giam phải được ghi hình; người có thẩm quyền giám sát phải xem xét băng hình trong những trường hợp nhất định. Trong trường hợp bị cáo khai tại phiên tòa bị bức cung, dùng nhục hình thì tòa án có thể yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp tài liệu để xác minh.
Ngoài ra, cũng cần tạo cơ chế kiểm soát mang tính độc lập, chặt chẽ giữa ban giám thị, cán bộ trại tạm giam với các điều tra viên. Theo đó, trại tạm giam chịu trách nhiệm quản lý bị can, bị cáo về sức khỏe, tinh thần; phải kiểm tra chặt chẽ bị can, bị cáo trước khi trích xuất cho điều tra viên hỏi cung; giám sát quá trình hỏi cung theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; kiểm tra thực tế khi nhận lại bị can, bị cáo...
ĐỨC MINH - Theo PLO