2,02 tỉ lít bia. Đó là lượng bia ước đạt được sản xuất trong tám tháng năm 2014, theo báo cáo của Bộ Công Thương, tăng 6,5% so với cùng kỳ (trong đó, bia thương hiệu Hà Nội ước đạt 354,1 triệu lít, tăng 0,3%; bia thương hiệu Sài Gòn ước đạt 902,2 triệu lít, tăng 3,6%). Riêng sản lượng sản xuất bia các loại trong tháng 8-2014 ước đạt 291,9 triệu lít, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Ngay đơn vị tham mưu soạn thảo dự thảo nghị định cũng thấy khó thực hiện.
Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia. Dự kiến nghị định sẽ ban hành trong năm 2014.
Theo dự thảo này, nhiều hành vi sẽ bị liệt vào diện vi phạm quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh bia như kinh doanh bia qua máy bán hàng tự động hoặc qua phương thức thương mại điện tử. Kinh doanh bia tại các địa điểm như trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè; bán sản phẩm bia cho người có biểu hiện say bia, say rượu; cho phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú; cho người đang có bệnh lý về lạm dụng sử dụng rượu bia cũng sẽ bị xem là vi phạm pháp luật.
Vấn đề đặt ra ở đây là liệu các quy định này có khả thi trên thực tiễn hay không? Chẳng hạn như làm sao để xác định được người đang có bệnh lý về lạm dụng sử dụng rượu bia, người đang có thai hoặc cho con bú? Mặt khác, tình trạng khách hàng uống bia trên vỉa hè hiện nay đang trở nên rất phổ biến ở các đô thị lớn. Suốt thời gian qua các lực lượng trật tự đô thị cũng không sao dẹp xuể nên đang thực hiện các giải pháp mang tính dung hòa (cho kinh doanh một phần). Thậm chí có ý kiến cho rằng uống bia ở vỉa hè gần như trở thành “tập quán” của đông đảo người dân lao động nên cần có những sắp xếp phù hợp…
Chiều 3-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xoay quanh những vấn đề này, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), đơn vị tham mưu soạn thảo nghị định, cho biết những ý trong dự thảo nghị định này trích ra từ Quyết định 224 của Thủ tướng về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 và dựa trên ý kiến tham khảo từ Bộ Y tế (cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia). Văn bản đang trong quá trình lấy ý kiến dự thảo nên Bộ Công Thương sẽ tiếp thu mọi ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, đơn vị,...
Theo dự thảo nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia do Bộ Công thương đưa ra, tới đây sẽ cấm bán bia trên vỉa hè. Ảnh: HTD
Ông Dũng cho rằng việc xác định người nào có biểu hiện say bia, say rượu, phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Hiện chưa có quy định hay quy chuẩn cụ thể để nhận biết, xác định. Vấn đề ở đây là ý thức tự giác từ người bán và người mua. Không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước cũng rất khó giám sát và áp dụng các chế tài đi kèm đối với việc này. “Ý tưởng quy định là vậy nhưng thực tế đòi hỏi ý thức tự giác của người dân là quan trọng nhất. Tuy vậy, việc ban hành quy định cũng là điều cần thiết để tạo ra hành lang pháp lý, nhằm giáo dục và có căn cứ để người dân tự giác thực hiện, dần dần xây dựng ý thức trong dân” - ông Dũng cho hay.
Đối với quy định cấm kinh doanh bia trên vỉa hè, ông Dũng cũng cho rằng đây cũng là vấn đề không đơn giản. Theo vị này, việc bán bia vỉa hè ở các nước vẫn áp dụng, vấn đề là tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường sạch sẽ, gọn gàng. Đồng thời, kinh doanh vỉa hè nhưng vẫn có không gian dành cho người đi bộ. “Uống bia vỉa hè văn minh thì không sao, tôi đã có dịp sang Pháp và Ý, ở đó họ vẫn cho phép bán bia vỉa hè nhưng rất quy củ, sạch sẽ. Đây cũng là câu chuyện ý thức”. Vị này nói thế nhưng lý giải thêm về cơ sở để đưa ra quy định này là vì thực tế ở nước ra kinh doanh vỉa hè vẫn còn nhếch nhác, mất vệ sinh và mỹ quan đô thị, thậm chí uống rượu bia ở vỉa hè còn gây mất an ninh trật tự,... Tuy nhiên, theo ông Dũng, trên thực tế đây là quy định rất khó thực hiện. Trước đây cũng đã có quy định cấm bán rượu bia ở đường giao thông, bến xe,... nhưng khó khả thi. “Câu chuyện đặt ra là nếu không cấm thì xử lý thế nào thì đòi hỏi nhiều bộ, ngành vào cuộc” - ông Dũng nói và cho rằng quy định này đang ở mức dự thảo, mới dừng ở ý tưởng và chưa được định vị, cần lấy ý kiến của dư luận xã hội, doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương… Trên tinh thần ấy, “có thể sau khi tham khảo, quy định này sẽ được đưa ra khỏi dự thảo nghị định và thay vào đó là đưa ra bộ quy chuẩn mới về kinh doanh vỉa hè để có hành lang pháp lý trong công tác quản lý, xây dựng đô thị văn minh hơn” - ông Dũng cho hay.
TRÀ PHƯƠNG - Theo PLO
Sẽ thu thêm trên 3.000 tỉ đồng/năm cho ngân sách
Theo tờ trình của Bộ Công Thương, nghị định này nếu ra đời sẽ giúp Nhà nước quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh đối ngành bia, mang lại những tác động tích cực đối với xã hội: Giảm thiểu tác động xấu tới sức khỏe của người sử dụng, phát huy nét văn hóa của dân tộc thông qua việc thưởng ngoạn một sản phẩm đồ uống truyền thống, đồng thời cũng thể hiện sự văn minh của xã hội hiện đại.
Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, sau khi nghị định có hiệu lực, thuế thu về cho ngân sách nhà nước ước tính tăng thêm khoảng 3.150 tỉ đồng/năm. Phí để thực hiện việc cấp giấy phép sản xuất bia ước tính: Khoảng 3,5 tỉ đồng mỗi năm.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết: Trước đây, Bộ Công Thương đã có nghị định quản lý về rượu, nay có thêm nghị định quản lý về bia thì rất tốt, cụ thể hóa một bước nữa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.
Theo ông Quang, Quốc hội đã giao cho Bộ Y tế xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn, dự luật này mới đang trong giai đoạn xây dựng dự thảo và sẽ đưa ra lấy ý kiến người dân. Trong dự thảo này, Bộ Y tế cũng đưa ra những quy định cấm bán rượu bia ở một số địa điểm như trường học, bệnh viện, công sở…, cấm bán qua máy bán hàng tự động, bán cho người dưới 18 tuổi hoặc những người đang có bệnh lý về lạm dụng rượu bia… Theo ông Quang, việc cấm như vậy sẽ góp phần hạn chế tác dụng của rượu bia, nâng cao sức khỏe người dân.
NGỌC BẢO